'Hiệp sĩ mù' - 'tiến giải trí, lùi nghệ thuật'
Những phim trước đây như Áo lụa Hà Đông (2006), Huyền thoại bất tử (2009), Lấy chồng người ta (2012)… đã từng đưa Lưu Huỳnh lên “chiếu trên” của điện ảnh Việt, nếu xét về thiên hướng nghệ thuật. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam, khi mà các phim tư nhân thường thiên về giải trí thuần túy để tìm cơ hội bán vé, thì lối đi của Lưu Huỳnh từng có rất ít “đồng đạo”.
Kịch bản dễ hiểu
Bỏ qua những giáo điều nhàm cũ, những gượng gạo trong lời thoại và một số lỗi về kỹ thuật thì nhìn chung Hiệp sĩ mù đã có được những yếu tố giải trí cần thiết.
Đầu tiên là ở cách tiếp cận kịch bản vừa đời thực, vừa hoang đường… nhằm giải quyết hợp lý các hoàn cảnh xuất thân của nhân vật tưởng chừng như phi lý. Làm sao một cô gái mù có thể rời ngôi chùa trên núi cao ở miền Bắc để vào TP.HCM hành tẩu giang hồ? Làm sao một tay ma cô hạng ruồi lại có thể trở thành đại ca khét tiếng? Nếu so với 3 kịch bản gần đây của Lưu Huỳnh thì Hiệp sĩ mù thuộc dạng “bề mặt” và dễ hiểu nhất.
Kế theo là ở cách kể chuyện khá tuyến tính, dễ xem, sau xuất thân của Cường “chột” (Bình Minh thủ vai) là đến nữ “hiệp sĩ mù” Linh (Ngọc Thanh Tâm). Nửa phim còn lại là cuộc đối đầu gián tiếp và trực tiếp của họ, nơi nợ máu không trả bằng tiền, và cũng không trả bằng máu. Chọn cách đánh đấm kiểu chợ búa, không chuộng đẹp, phần nhiều các pha hành động trong phim đã được sắp xếp khá tự nhiên, gần gũi.
Về cao trào hành động, Hiệp sĩ mù không dồn vào cuối phim như Huyền thoại bất tử, hành trình đi tìm lại đôi mắt (cũng là để gặp lại người mẹ đã mất) của Linh được “trải thảm” bằng nhiều cảnh đánh đấm được phân bố liên tục. Đây có lẽ là điểm thu hút với những khán giả thích chọn một phim chỉ để giải trí.
Đặc biệt, với những khán giả nào quen với cách đánh đấm hiệu quả, dứt khoát kiểu phim Nhật, nơi hình tượng hiệp sĩ mù được họ làm lại rất nhiều lần, thì có vẻ như Lưu Huỳnh đã làm được một phiên bản cùng chất liệu cho điện ảnh Việt Nam.
Chuyện của không riêng Lưu Huỳnh
Tình trạng “tiến giải trí, lùi nghệ thuật” có lẽ là việc của không riêng gì Lưu Huỳnh, khi mà điện ảnh Việt trong vài năm trở lại đây đang khá khan hiếm thiên hướng phim nghệ thuật. Những trường hợp như Bi, đừng sợ!, Lấy chồng người ta, Đập cánh giữa không trung… là quá ít với nền điện ảnh đang có sức tăng trưởng rõ rệt về số lượng phim, rạp chiếu và người mua vé.
Tình trạng trên đây sẽ buồn hơn nếu nhìn sang khu vực điện ảnh quốc doanh, nơi từng làm nên những bộ phim tuyên truyền giàu tính nghệ thuật, thì gần đây lại tỏ ra khá cũ trong tư duy làm phim và quan niệm về kịch bản. Các phim âm thầm chiếu và âm thầm cất kho, hoặc không bán nổi một vé… của điện ảnh quốc doanh là những minh họa sinh động cho định hướng tuyên truyền đang yếu kém về nghệ thuật.
Gần 10 năm trước, cùng với phim Hạt mưa rơi bao lâu (ĐD: Đoàn Minh Phượng - Đoàn Thành Nghĩa), Áo lụa Hà Đông của Lưu Huỳnh đã góp phần mở ra một hi vọng về chiều hướng phim nghệ thuật cho điện ảnh Việt. Nhưng rồi, khi mà các đầu tư của Nhà nước thì có vẻ như không đúng chỗ, còn các đạo diễn tư nhân/ độc lập thì ngày càng khó tìm kinh phí cho phim nghệ thuật, một người cực đoạn và khó tính như Lưu Huỳnh cũng đã thỏa hiệp để bán vé.
Tình trạng thỏa hiệp này có thể sẽ giúp điện ảnh Việt mỗi năm sẽ có thêm vài phim đoạt doanh thu một hai triệu đô-la Mỹ, nhưng song hành đó, tiếng nói được xem là hương vị riêng, bản sắc riêng bị bào mòn nhanh chóng. Không phải ngẫu nhiên mà có nhiều ý kiến phê bình khắt khe cho rằng, thế giới chỉ có hai nền điện ảnh: một là Hollywood và giống Hollywood, hai là làm khác với Hollywood, mà nền điện ảnh thứ hai kể trên thì ngày càng bị thu hẹp.
Thể thao & Văn hóa