Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi: 'Sách bán kỷ lục, quyền lợi tác giả bị lờ đi'
(Thethaovanhoa.vn) - “Kiếm củi ba năm thiêu một giờ. Uy tín rất khó lòng lấy lại” – Minh Nhật, một trong hai tác giả đầu tiên lên tiếng về vấn đề nhà làm sách vi phạm tác quyền bộ sách “Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi” chia sẻ với Thethaovanhoa.vn.
Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi vừa được Trung tâm Khai thác Bản quyền & Xuất bản của báo Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò (sau đây gọi là “Trung tâm”) nhượng quyền cho Công ty Phương Nam tái bản. 3 tập đầu trong bộ sách 9 tập ra mắt tháng 2 năm nay.
Sáng 24/3, nhà văn trả lời Thethaovanhoa.vn về những yêu cầu anh vừa đưa ra với Trung tâm.
Sách bán trăm nghìn bản, nhưng nhuận bút không hề thỏa đáng
* Trước và sau khi anh lên tiếng về tác quyền, phía làm sách là đã liên hệ với anh lần nào chưa?
- Trước khi tôi cùng các tác giả khác lên tiếng, Trung tâm hoàn toàn không có liên lạc hay thông báo gì về việc sẽ tái bản cuốn sách đó. Việc tái bản đã lên kế hoạch từ trước khá lâu, nhưng một khoảng thời gian dài như thế vẫn là “không đủ” để những người thực hiện cuốn sách liên lạc với tác giả. Khi sách đã in xong, ra mắt, quảng cáo và phát hành rầm rộ tại thị trường và các kênh bán sách online tiếng tăm thì chúng tôi mới biết, có thể coi là biết sau cả độc giả.
Sau khi chúng tôi lên tiếng thì cá nhân tôi cũng không nhận được liên hệ nào từ cả phía Trung tâm.
* Giả sử Trung tâm liên hệ và làm đúng thủ tục theo luật để mua hoặc chuyển nhượng tác quyền in tác phẩm của anh vào sách, anh có đồng ý không?
- Rất có thể. Trước hết, tác giả nào chẳng thích tác phẩm của mình được phát hành và được đông đảo độc giả đón nhận. Thêm nữa, tôi từng là một cây viết xuất thân từ Hoa Học Trò và làm việc nhiều năm với báo, chẳng có lý gì tôi không muốn những tác phẩm của mình có mặt trong các cuốn sách của Hoa Học Trò.
Nhà văn Minh Nhật. Ảnh nhân vật cung cấp
Nhưng có hai vấn đề. Thứ nhất, giống như nhà văn Trang Hạ đã nói, việc các tác phẩm của nhà văn bị cắt xén hoặc thay đổi khi lên báo giấy, rồi bê nguyên nội dung đó lên sách không phải cách mà chúng tôi muốn thực hiện với các tác phẩm của mình. Nên, dù có liên lạc trước, chắc chắn tôi sẽ yêu cầu tôn trọng nguyên gốc tác phẩm nếu muốn sử dụng.
Thứ hai là về nhuận bút. Chính bên phát hành cuốn sách từng thừa nhận: bộ sách cũ đã đạt mức phát hành kỷ lục, có những cuốn đạt hàng trăm nghìn bản - một con số có thể coi là mơ ước, thế những nhuận bút khi đó cho các tác giả là không thoả đáng. Nên nếu trong lần tái bản này không thoả thuận được con số nhuận bút hợp lý, tôi sẵn sàng từ chối. Tiền có thể kiếm được ở nhiều nơi, không nhất thiết phải dằn lòng làm những việc không ưng ý.
Yêu cầu xin lỗi và công khai giấy tờ
* Trong quá trình hợp tác với Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò lâu nay, anh đã bao giờ bạn gặp vấn đề về tác quyền như lần này?
- Làm việc lâu dài bao giờ cũng nảy sinh nhiều khúc mắc, nhưng trước giờ có thể nói Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò đối xử với tôi không hề tệ.
Nhưng cần nói rõ, vấn đề tác quyền với báo chưa khi nào rõ ràng bởi không có giấy tờ chính thức. Mọi xử lý sẽ thuộc về đạo đức nghề nghiệp và tình cảm đồng nghiệp. Vì thế, chuyện lần này khiến các tác giả không khỏi ngạc nhiên và đặt câu hỏi.
* Anh nghĩ sao về vai trò của công ty Phương Nam trong trường hợp này?
- Công ty Phương Nam ký với Trung tâm để làm kênh in ấn và phát hành bộ sách này. Có lẽ trong hợp đồng giữa hai bên, tất cả trách nhiệm bản quyền thuộc về Trung tâm, nên công ty Phương Nam mặc nhiên không để tâm tới điều đó.
Hai trong số các truyện ngắn của Minh Nhật trong sách Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi bộ tái bản
Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra, đại diện công ty Phương Nam thậm chí còn liên lạc với tôi trước cả Trung tâm và rất cố gắng để giải quyết vấn đề. Qua cách xử lý đó, bạn đọc có thể tự đánh giá. Thay vì dồn tất cả trách nhiệm bản quyền cho Trung tâm, phía Phương Nam đã trực tiếp liên lạc sớm để tìm giải pháp.
* Buổi làm việc tối 23/3 giữa anh và ông Hoàng Anh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Khai thác Bản quyền, có kết quả như thế nào?
- Tôi trực tiếp nói chuyện với ông Hoàng Anh Tú để đưa ra những đề xuất của tác giả đối với vấn đề hiện tại bao gồm:
1 - Nếu không chứng minh được bằng giấy tờ rằng Trung tâm có cơ sở pháp lý để sử dụng tùy tiện (có kế hoạch xuất bản trước đến nửa năm và sau đó sách đã ra rạp để bán) các tác phẩm của các tác giả, thì hãy thu hồi toàn bộ sách trên thị trường.
2 - Có lời xin lỗi tới các tác giả công khai trên báo giấy, báo điện tử.
3 - Công khai giấy tờ ký kết giữa Trung tâm và Công ty Phương Nam liên quan tới bộ sách, về cơ cấu, số lượng phát hành cũng như nhuận bút chi trả, hoạch toán số lượng đã bán ra thị trường... với các tác giả.
Hiện tại ông Hoàng Anh Tú chưa có câu trả lời, với quan điểm cần phải tham khảo ý kiến của Giám đốc và những người có trách nhiệm khác. Điều này về nguyên tắc là hợp lý. Giá như họ luôn hợp lý như vậy từ lúc thực hiện bản thảo, tuân thủ quy trình làm việc với tác giả trước khi in sách, thì chắc không có chuyện ngày hôm nay.
Độc giả không nên hiểu lầm và tẩy chay Hoa Học Trò
* Các tác giả đều cộng tác lâu năm với Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò, ít nhiều gắn bó. Anh có cảm nghĩ gì khi xảy ra chuyện “đối đầu” này?
- Tôi hy vọng có thể giải quyết ổn thoả mọi vấn đề. Hy vọng độc giả hiểu đây không phải vấn đề giữa các tác giả và báo Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò. Các ấn phẩm khác của báo như Hoa Học Trò, tạp chí 2!, 2! Đẹp hay Hoa Học Trò Online không liên quan gì và không đáng bị tẩy chay.
Đây chỉ là vấn đề của các tác giả với một bộ phận lãnh đạo của Trung tâm, những người đã trực tiếp “lờ” quyền lợi của hầu hết các tác giả khi thực hiện bộ sách mang lại cho họ rất nhiều lợi nhuận doanh thu và danh tiếng này. Bản thân họ đều là những cây bút kỳ cựu, là đàn anh đàn chị, là tiền bối, là thần tượng của chính những cây bút chúng tôi sau này, thế nên sự việc vừa rồi càng trở nên khó chấp nhận. Kiếm củi ba năm thiêu một giờ. Uy tín là thứ rất khó lòng lấy lại được.
Tuy nhiên, nếu những yêu cầu trên được chấp thuận, có lẽ cũng trở thành một tiền lệ tốt để bảo vệ tác quyền các sản phẩm nghệ thuật - thứ vẫn mập mờ trong nhiều năm vừa rồi ở Việt Nam. Là xấu hay là tốt, đều do những người "có trách nhiệm" tự quyết định.
Nhà văn Minh Nhật sinh năm 1987, là cây bút nổi tiếng với độc giả trẻ. Các bút danh khác: Nhật Zest, Sky, Lê Minh. Trong bộ sách Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi mới tái bản, anh có các truyện ngắn như Đoạn đường của tình yêu, Bài hát quên tên, Nơi những cơn giá dừng chân... Các đầu sách khác của anh: Những đêm không ngủ, Lạc lối giữa cô đơn, Những quân cờ Domino, Cafe yêu... |
Mi Ly (thực hiện)