Hậu 'Vietnam Idol Kids': Tản mạn sau chiến thắng 'oanh liệt' của Hồ Văn Cường
(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc thi Vietnam Idol Kids đã kết thúc, Hồ Văn Cường đã giành ngôi quán quân với số phiếu bình chọn của khán giả áp đảo 3 thí sinh còn lại. Điều gì đã giúp Hồ Văn Cường giành chiến thắng và đây có phải là một tài năng âm nhạc nhí tương lai?
- VIDEO: Tất tật các ca khúc đưa Hồ Văn Cường lên Quán quân Thần tượng Âm nhạc nhí
- VIDEO: Nghe Quán quân Hồ Văn Cường 2 lần 'thương đắng' tại Thần tượng Âm nhạc nhí
- Chung kết 'Thần tượng Âm nhạc nhí 2016': 'Cậu bé hát đám cưới' Hồ Văn Cường đoạt ngôi Quán quân
Tuy nhiên, để dễ lay động người nghe, Hồ Văn Cường cần những bài hát đặc chất Nam bộ và điều quan trọng là những bài hát có điệu thức oán và được viết theo “phong cách” bolero.
Điệu thức oán thường được dùng để tạo nên những giai điệu da diết, “mùi mẫn” dễ làm mềm lòng người nghe, nhất là những người yêu thích dòng nhạc bolero. Hai bài hát mà Hồ Văn Cường hát trong đêm chung kết: Còn thương rau đắng mọc sau hè và Bà Năm là những bài hát tiêu biểu cho những điều nói trên.
Ở show thứ 2 của Vietnam Idol Kids, Cường hát 2 ca khúc Lòng mẹ và Bông hồng cài áo, hai bài hát này không đặc chất Nam bộ và không “bolero” nên hiệu quả trình diễn mà Hồ Văn Cường mang lại không cao.
Tương tự Hồ Văn Cường, cách đây 3 năm, Phương Mỹ Chi trong cuộc thi Giọng hát Việt nhí 2013 cũng thế, Chi hát bài Lòng mẹ nghe rất thường, nhưng gây bão với những bài hát điệu thức oán và “bolero” như Quê em mùa nước lũ, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang.
Có thể nói các bài hát mang âm hưởng dân ca Nam bộ da diết, “mùi mẫn” đã góp phần khá quan trọng trong việc chinh phục khán giả để Hồ Văn Cường lên ngôi Quán quân Vietnam Idol Kids.
2. Trong 4 thí sinh vào chung kết, Hồ Văn Cường xứng đáng đoạt quán quân. Bởi Gia Khiêm và Jayden thì giọng ca “nhợt nhạt”, Bảo Trân giọng cá tính hơn, nhưng khá nhiều bài hát không rõ lời do âm vực của giọng hát thiếu độ vang. Trong đêm chung kết Bảo Trân hát bài Con cò (Lưu Hà An) khá cá tính. Tuy nhiên, đây là một bản dân ca đương đại khó đi vào lòng đông đảo khán giả như những bài mang chất dân gian Nam bộ.
Tuy đoạt quán quân, nhưng những bài hát do Hồ Văn Cường thể hiện vẫn chưa hoàn hảo. Vì Hồ Văn Cường bị hạn chế bởi tầm cữ của một giọng trẻ con, ở âm vực trầm giọng không vang và khó kiểm soát cao độ, một số trường hợp bị chênh, phô.
Nói chung, với những gì mà Hồ Văn Cường thể hiện (đa số là những bài hát người lớn), sự hoàn hảo của tác phẩm trình diễn khó có thể so sánh với ca sĩ “người lớn”. Còn xét ở lĩnh vực thiếu nhi, chẳng ai có được cảm giác đây là một giọng ca “thiên thần”.
Nhưng trong các live show, ít khi Hồ Văn Cường và các thí sinh khác được chỉ ra những sai sót mà các bé mắc phải, ngay cả khi Hồ Văn Cường hát sai nhạc (bài Lòng mẹ), giám khảo vẫn khen hát hay. Hầu hết trong các live show, thay cho những lời nhận xét chân thực là những lời tung hô, đôi lúc quá trớn. Thậm chí thí sinh Bảo Trân còn được giám khảo Văn Mai Hương phong là “thần đồng”.
Đặc biệt hơn, trong đêm chung kết 17/7, giám khảo Tóc Tiên và Isaac còn cúi đầu “vái lạy” Hồ Văn Cường sau khi bé hát xong bài Bà Năm.Việc các giám khảo ca ngợi tận mây xanh dễ gây cho các bé một ảo tưởng về tài năng. Và các bé sẽ hụt hẫng khi gặp những trở ngại trên con đường ca hát sau này (nếu các bé lấy ca hát làm nghiệp chính cho mình).
Hơn nữa, trong lĩnh vực thanh nhạc không ai dám khẳng định tương lai của các bé, nhất là các bé trai, bởi các bé còn phải trải qua giai đoạn dậy thì, vỡ giọng.Để nói đến tương lai của một giọng hát, ít nhất phải đợi đến sau 15 tuổi, khi giọng hát được ổn định, không còn những biến đổi.
Và để trở thành một giọng ca đặc sắc, cần nhiều thời gian và nỗ lực tập luyện. Vì vậy những nhận xét chân thực về giọng hát đối với các thí sinh nhí là vô cùng cần thiết, để các bé khắc phục khuyết điểm và cũng là động lực để phấn đấu…
Bình Minh
Thể thao & Văn hóa