Hậu Covid-19: Bỏ thuốc và giảm tác hại thuốc lá cần xem xét thực thi song hành
Trước tình trạng một tỷ lệ không nhỏ người dân đang gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe hậu Covid-19, việc tìm kiếm các giải pháp toàn diện nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng cần được ưu tiên.
Theo đó, những gánh nặng tồn đọng lâu nay cũng được các chuyên gia y tế xem xét và kêu gọi giải quyết trong đó bao gồm vấn nạn hút thuốc lá. Theo các chuyên gia, đại dịch cũng là cơ hội để khuyến khích những người hút thuốc củng cố và đẩy mạnh quyết tâm bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, đây không nên là giải pháp duy nhất mà cần bổ sung thêm các giải pháp giảm tác hại cho những người chưa bỏ được hoặc tái nghiện.
Ưu tiên cai thuốc lá điếu hoàn toàn trước khi tìm cách giảm tác hại
Đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập vào giữa năm 2020 cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do Covid-19 cao hơn so với những người không hút thuốc. Các chuyên gia lý giải, Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công phổi, những độc chất sinh ra từ khói và nhựa thuốc lá sẽ làm suy yếu chức năng phổi khiến cơ thể khó chống lại virus corona cũng như các bệnh khác.
WHO khuyến cáo người hút thuốc nên bắt đầu thực hiện ngay các bước để bỏ thuốc bằng cách sử dụng các phương pháp đã được chứng minh, như tư vấn cai thuốc qua số điện thoại miễn phí, chương trình nhắn tin hướng dẫn cai thuốc qua điện thoại di động và sử dụng các liệu pháp thay thế nicotin như kẹo cao su và miếng dán.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ cai nghiện thành công thuốc lá điếu tại Việt Nam (cũng như trên toàn thế giới) khá thấp. PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP HCM, trong một bài viết gần đây cho rằng, nhiều bệnh nhân dù được chẩn đoán đang ở giai đoạn nặng và bác sĩ khuyên cai thuốc lá thú nhận là vẫn hút thuốc lá với số lượng ít hơn để đỡ cơn "thèm". Nhưng khi càng hít sâu điếu thuốc “thèm” đó, người hút lại càng dễ phơi nhiễm với phần lớn các chất độc hại có trong khói của thuốc lá do quá trình đốt cháy sản sinh ra. Chính vì thế, PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc đề xuất, với những người chưa cai được thuốc lá, thay vì để họ tự tìm hiểu rồi có những quyết định sai, cần cho họ một lựa chọn khác có tính nhân văn hơn.
Do đó, theo PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc, cần cung cấp cho những người này các sản phẩm có chứa nicotin như miếng dán nicotin, kẹo ngậm nicotin... để giúp họ thỏa mãn lượng nicotin cần thiết nhưng không hít hoặc thải ra khói có chứa hầu hết chất độc hại như khi hút thuốc lá điếu đốt cháy. Xuất phát từ cơ sở này, ngoài miếng dán, kẹo ngậm nicotin còn có những giải pháp khác ứng dụng công nghệ làm nóng thuốc lá để loại bỏ khói thuốc. Điều này có nghĩa là hàm lượng các chất gây hại mà người sử dụng hấp thu vào sẽ được giảm thấp hơn nhiều so với việc lựa chọn hút thuốc lá điếu thông thường.
Giảm tác hại thuốc lá: Cần cho ai?
Hiện các tổ chức y tế quốc tế đã đưa ra nhiều sở cứ khoa học cho thấy cơ hội và tương lai của của việc ứng dụng công nghệ làm nóng-không đốt cháy. Công nghệ này đang được áp dụng vào một số sản phẩm thuốc lá không khói (hiện nay bao gồm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử.
Theo thống kê của WHO, các sản phẩm này cũng đã được hơn 184 nước cho phép lưu hành như là một trong những biện pháp giảm tác hại thuốc lá của quốc gia, trong đó có một số nước được biết đến như Mỹ, Anh, Đức, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Điểm chung của việc chính phủ các nước chấp nhận những sản phẩm này dù chúng không an toàn tuyệt đối cho người dùng, là do những lợi ích lớn hơn so với việc để cho người hút thuốc tiếp tục hút các sản phẩm thuốc lá điếu đốt cháy thông thường. Các chuyên gia khẳng định ít nhất, trong thời gian chuyển đổi thành công, họ đã giảm được phần lớn các chất độc hại được tìm thấy trong khói của thuốc lá điếu.
Trong một bài viết mới đây, PGS.TS.BS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương nhận định, các tổ chức y tế trên thế giới như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức (BfR), Viện Y tế Công cộng và Môi trường Quốc gia Hà Lan… đã tiến hành các đánh giá và nghiên cứu độc lập về các sản phẩm ứng dụng công nghệ làm nóng-không đốt cháy. Kết quả cho thấy hàm lượng các tác nhân chính gây ung thư trong các sản phẩm này được giảm rõ rệt so với thuốc lá điếu đốt cháy thông thường. Ngoài ra, cơ quan y tế của nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản... cũng đã chính thức nhìn nhận hướng tiếp cận giảm tác hại này.
Theo các chuyên gia y tế, việc công nhận các sản phẩm giảm tác hại thuốc lá về tổng thể sẽ đóng góp cho các chủ thể từ vĩ mô đến vi mô: chống thất thu cho ngân sách Nhà nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cải thiện sức khỏe cho người hút thuốc, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật do hút thuốc lá điếu đối với ngành y tế. Do vậy, cần sớm áp dụng để có những dữ liệu thực tiễn để các giải pháp giảm tác hại sớm có thể đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dùng như hiện nay.
PTTT