Hào quang mục ruỗng nhìn từ ảo vọng showbiz
Xin mượn chính câu nói của Trấn Thành trong buổi họp báo ra mắt phim tiểu sử Hào Quang Rực Rỡ của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng để bắt đầu, "Thường người ta chỉ làm phim tiểu sử khi nhân vật đã xong xuôi công việc ở trần gian", Trấn Thành nói thêm, "Nếu đó là bộ phim ca ngợi Đàm Vĩnh Hưng, tôi sẽ không xem". Nếu không bật khóc ngay sau đó để bị chỉ trích dữ dội, Trấn Thành đã được ngợi khen vì loạt phát ngôn thẳng thắn về phim tiểu sử của Đàm Vĩnh Hưng.
Ảo vọng
Vì sao phim tiểu sử thường được lên kịch bản, sản xuất khi nhân vật chính đã "xong xuôi mọi việc ở trần gian"? Bởi nhiều lý do, trong đó có việc, giá trị của họ và cả sự nghiệp của họ phải cần đến độ lùi của thời gian thẩm định.
Tất nhiên, số đông là thế, vẫn có những ngoại lệ. Đơn cử, Rocketman vẫn được sản xuất năm 2019 khi Elton John còn sống, lúc ấy đang ở tuổi 72.
Nhưng đa số sẽ chọn một nhân vật có quãng thời gian "rực rỡ ở nhân gian", đã xong xuôi sứ mệnh lịch sử và an bài ở thế giới bên kia. Khi ấy, nhân vật sẽ là đề tài vừa trọn vẹn, vừa lý tưởng để giới làm phim thỏa sức sáng tạo.
Người sang thế giới phía bên kia không còn xét nét, không còn bắt sửa kịch bản, không còn quan tâm đến thế sự, không còn mất công tranh cãi, quan tâm xem phim ấy làm về mình có đúng hay không, có gây ảnh hưởng gì, có tô vẽ quá mức hay làm xấu quá mức. Người đã đi qua nhân gian với sự rực rỡ xứng tầm sẽ để hậu thế mặc sức kể về mình theo cách mà họ muốn.
Phim tiểu sử cũng cần độ lùi thời gian để đánh giá, nhìn nhận xứng đáng tài năng của nhân vật, giá trị nghệ thuật mà họ để lại, cũng như những tranh cãi vây quanh họ lúc sinh thời.
Độ lùi của thời gian giúp hậu thế đủ tĩnh tâm, đủ sáng suốt để nhìn thấu đáo về nhân vật, và có cách tiếp cận mới mẻ hơn về tài năng, nhân cách, cả thành công và góc khuất của nhân vật.
Nói dông dài như vậy để thấy, vì sao mỗi dự án phim tiểu sử của điện ảnh thế giới luôn được công chúng chờ đợi, và những nhân vật được lựa chọn để làm phim tiểu sử luôn phải xứng tầm.
Ở Việt Nam khác hơn, có hai nhân vật của showbiz đã và đang tiến hành làm phim tiểu sử khi họ còn sống là người mẫu Ngọc Trinh và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Vòng Eo 56 khi ra mắt năm 2016 không được giới thiệu là phim tiểu sử, nhưng cách làm ra tác phẩm này có thể xếp vào dạng tiểu sử về người mẫu Ngọc Trinh. Ngay khi ra mắt, Vòng Eo 56 đã bị ném đá dữ dội vì thông điệp tô hồng, "hợp lý hóa" cho việc cặp với đại gia để thoát nghèo của người mẫu nội y gốc Trà Vinh.
Vòng Eo 56 do Ngọc Trinh tự bỏ vốn 18 tỷ đồng để dựng lên, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng mô tả, đó là tác phẩm "chân thực", "rất đời", và rằng anh không xấu hổ khi bắt tay vào làm tác phẩm.
Thế nhưng, Vòng Eo 56 lại khiến dư luận phẫn nộ. Tác phẩm "rất đời" mà Vũ Ngọc Đãng nhắc đến là sự ảo vọng bất chấp của Ngọc Trinh và ê-kíp. Ngọc Trinh ảo vọng rằng, bộ phim sẽ giúp cô tẩy trắng tai tiếng, sẽ khiến khán giả thương cho hoàn cảnh nghèo khó mà thông cảm cho việc cô cặp với đại gia có vợ để kiếm tiền. Ngọc Trinh cũng ảo vọng về danh tiếng cô có được, thứ danh tiếng được vốn được vun đắp lên từ tai tiếng.
Vòng Eo 56 trở thành trò lố với những tình tiết bào chữa vụng về, tô hồng thô kệch.
Chính vì bài học nhãn tiền từ Vòng Eo 56, Trấn Thành và cả khán giả có quyền lo lắng về một "Hào quang rực rỡ" có thể là tác phẩm tô hồng, ngợi ca cho Đàm Vĩnh Hưng.
Nhìn nhận sòng phẳng, Đàm Vĩnh Hưng là một nhân vật đặc biệt của showbiz. Nếu hầu hết nghệ sĩ đều muốn giấu mình đi, đều muốn xây dựng hình ảnh đẹp đẽ trước công chúng, Đàm Vĩnh Hưng lại không ngại che giấu con người thật của mình, không ngại phô diễn ra trước dư luận cả những ồn ào, hơn thua, tranh cãi.
Không cần phải đợi đến khi "Hào quang rực rỡ" ra mắt, công chúng mới thấy được hết con người phía sau sân khấu của Đàm Vĩnh Hưng. Ngần ấy năm bước vào ca hát, Đàm Vĩnh Hưng đã trình diễn trước khán giả chân dung tương đối đầy đủ và chân thực về mình. Nam ca sĩ sống bản năng, hoạt động nghề nghiệp bản năng và cãi vã cũng đầy bản năng.
Khán giả đã chứng kiến những lần Đàm Vĩnh Hưng đốp chát, cãi nhau tay đôi, phản ứng dữ dội bằng đủ ngôn ngữ phong phú với bất kỳ ai "dám" chê mình, từ nghệ sĩ gạo cội, đồng nghiệp có danh tiếng đến khán giả.
Với cá tính mạnh như thế, với sự ngông cuồng và sẵn sàng "khẩu chiến" tay đôi như thế, liệu khán giả có thể chờ đợi vào một bộ phim tiểu sử đủ sòng phẳng, đủ chân thực?
Sắc màu của hào quang
Khi bàn về chiến lược công nghiệp hóa văn hóa của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, với tham vọng công nghiệp văn hóa ở Việt Nam có thể kiếm ra tiền cho GDP như Hàn Quốc, giới chuyên gia cho rằng, điều đó là quá khó (không muốn nói là xa vời), bởi điện ảnh, âm nhạc của Việt Nam đang bị thế giới bỏ lại quá xa.
Nhạc sĩ Quốc Trung nói, "Nghệ sĩ Việt bây giờ chỉ chăm chăm lo chạy show, kiếm tiền, và chơi gameshow. Gần như chẳng có ai ôm tham vọng bước ra thế giới. Họ có thể nói rất hay về Kpop, nhưng chẳng hề có ý định học hỏi, khổ luyện như ca sĩ Kpop".
Sống và "chỉ lo chạy show, chơi gameshow" đằng sau lũy tre, bên bờ ao nhà mình, nhưng lại rất nhiều nghệ sĩ Việt huyễn hoặc, ảo tưởng về tài năng và danh tiếng.
Trong cơn bão toàn cầu quá, công nghệ phát triển như vũ bão, âm nhạc - điện ảnh thế giới đến từng nhà phục vụ khán giả, trong một tầm với không xa, thị hiếu và sự thẩm định của khán giả Việt sẽ vượt xa trình độ, năng lực của nghệ sĩ.
Lúc ấy, những bộ phim về hào quang rực rỡ của showbiz sẽ trở nên... hài hước. Màu sắc của hào quang, dù rực rỡ hay mục ruỗng, thường phải do khán giả nhận định. Khán giả là người tiếp nhận, lắng nghe và thẩm định cả hành trình sự nghiệp của một nghệ sĩ. Họ mới là lực lượng đủ khách quan để đặt tên cho màu sắc của hào quang.
Nghệ sĩ muốn công chúng sòng phẳng, trước nhất, nghệ sĩ phải tự sòng phẳng với chính mình.
Nói theo chữ dùng của Thế Lữ, "Ảo tưởng chỉ để khổ, để tủi".