Hành trình lan tỏa nghị lực sống của cô gái xương thủy tinh ở Hà Nội
Vũ Thị Quyên (sinh năm 1990, Hà Đông, Hà Nội) mang trong mình căn bệnh xương thuỷ tinh bẩm sinh, nhưng đã nỗ lực vươn lên, tự tìm kiếm công việc cho bản thân và trở thành người sáng lập công ty thiết kế đồ họa.
Đến với chương trình Trạm yêu thương, Vũ Thị Quyên chia sẻ: "Mỗi giải thưởng, mỗi học bổng là những cột mốc đáng nhớ của tôi. Học bổng dành cho nữ lãnh đạo tại Australia vào năm 2016 là bước ngoặt lớn nhất giúp tôi có ngày hôm nay. Vì tôi chỉ học xong lớp 12, từ bỏ ước mơ Đại học nên khi được đứng trên một giảng đường quốc tế, tôi hết sức tự hào. Và khi đó tôi mới nhận ra, người khuyết tật cũng có thế mạnh riêng, có thể làm được lãnh đạo và tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác".
Mắc bệnh xương thuỷ tinh bẩm sinh, nên từ nhỏ Vũ Thị Quyên đã ý thức được những khác biệt của bản thân so với bạn bè cùng trang lứa. Để tránh những ánh mắt soi mói của mọi người, Quyên tìm niềm vui ở sách vở và tự nhủ bản thân phải học thật giỏi, chỉ có học mới cải thiện được cuộc sống.
12 năm liền Quyên đều đạt được thành tích cao trong học tập. Thời điểm tốt nghiệp THPT, đã có trường gửi giấy về nhà, thế nhưng biến cố gia đình ập đến, cộng thêm khó khăn di chuyển nên Quyên đành bỏ lỡ giấc mơ theo đuổi Đại học của mình.
Dù vậy, cô gái 9X chưa bao giờ ngừng cố gắng, Quyên cũng tìm cho mình những công việc để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Giống như nhiều người khuyết tật khác, Vũ Thị Quyên không dễ dàng tìm được cho mình một công việc phù hợp.
Cô kể: “Tại thời điểm ấy, tôi cảm thấy rất mông lung, vô định, không biết tương lai mình sẽ như thế nào, đi về đâu, mình sẽ làm được gì? Rất nhiều lúc, tôi tự ngẫm nghĩ, dằn vặt bản thân, rằng không lẽ mình sẽ tiếp tục trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội hay sao?”.
Dường như trải qua nhiều biến cố, Vũ Thị Quyên càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết: “Giữa lúc bế tắc, chán nản, tôi được giới thiệu học tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Ở đây, tôi được đào tạo về công nghệ thông tin cơ bản, sau đó chuyển sang học bán vé máy bay.
Những đồng lương đầu tiên của mình đến bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ, đó là khoảng 500 nghìn đồng. Ngày nhận những đồng lương đầu tiên, mình cảm thấy rất sung sướng và hạnh phúc. Dù là ít ỏi nhưng nó truyền cho tôi niềm tin vào bản thân, có những đánh giá và nhìn nhận khác về thế mạnh cũng như năng lực của người khuyết tật”.
Trở về sau khoá học đào tạo cho nữ lãnh đạo tại Australia, năm 2018, Quyên cùng những người bạn có chung ý tưởng, thành lập công ty thiết kế đồ họa. Trong chương trình, Vũ Thị Quyên còn tự hào bật mí về ý nghĩa sâu xa mà chính cô gửi gắm trong tên công ty của mình.
Hiện tại, công ty thiết kế đồ họa của Quyên đang là nơi làm việc của gần 100 người với 30% nhân viên là người khuyết tật. Để tìm được công việc phù hợp với năng lực của những người yếu thế, Quyên chẻ nhỏ quy trình công việc để chia sẻ với từng cá nhân.
Không chỉ chiến thắng bản thân, Quyên còn chứng minh cho mọi người thấy "người khuyết tật hoàn toàn có thể làm lãnh đạo, hoàn toàn có thể làm việc như những người bình thường, thậm chí giúp đỡ người khuyết tật khác hay cả người bình thường trong cuộc sống”.
"Cho dù bạn là ai, bạn sinh ra cách vạch đích bao xa thì điều quan trọng nhất là bạn có tư duy "suy nghĩ ra khỏi chiếc hộp" để tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình và cho những người xung quanh bạn" - đó là phương châm mà Vũ Thị Quyên luôn ấp ủ trong hành trình vươn lên của chính mình.
- Nguyễn Thị Thanh Thiện đến 'Trạm yêu thương': 'Khuyết tật với tôi là một món quà'
- 'Trạm yêu thương': Nam sinh 10x mắc hội chứng 'Tourette' không từ bỏ đam mê âm nhạc
- 'Trạm yêu thương': Chàng trai xương thủy tinh và hành trình vượt lên chính mình
Lá thư đặc biệt và sự xuất hiện của những nhân vật bất ngờ đã mở ra nhiều bí mật thú vị về cô gái Vũ Thị Quyên. Giúp nhiều bạn trẻ thay đổi cuộc sống, thế nhưng ước mơ của Quyên thật giản dị, đó là mong muốn được khoác lên mình một bộ áo dài để những lần công tác nước ngoài được khoe với bạn bè về áo dài truyền thống của Việt Nam.
Không chỉ biến ước mơ ấy thành hiện thực, món quà của Trạm yêu thương còn tiếp thêm sức mạnh cho Quyên và những người bạn của mình trên hành trình chinh phục ước mơ, đặc biệt là việc tạo thêm việc làm cho nhiều người yếu thế.
Câu chuyện về hành trình vượt khó của nữ giám đốc 9X Vũ Thị Quyên sẽ truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trong Trạm yêu thương với chủ đề "Nghĩ ra khỏi chiếc hộp" lên sóng lúc 10h thứ Bảy ngày 22/10 trên kênh VTV1.
Bảo Anh. Ảnh: VTV