Nếu đao phủ trong 2 video hành quyết các nhà báo Mỹ được xác nhận là cùng một người - là chiến binh thánh chiến tên “John”, thì thực sự y đã trở thành công dân Anh nổi tiếng nhất thế giới trong 2 tuần qua, tờ Telegraph bình luận.
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu đao phủ trong 2 video hành quyết các nhà báo Mỹ được xác nhận là cùng một người - là chiến binh thánh chiến tên “John”, xuất thân là một rapper ở Tây London, thì thực sự y đã trở thành công dân Anh nổi tiếng nhất thế giới trong 2 tuần qua, tờ Telegraph bình luận.
Với nhiều người Anh, những người thường xuyên theo dõi chương trình phát thanh của nước này, có lẽ không ai là không biết đến L Jinny – một rapper 23 tuổi từng có nhiểu bản rap được phát trên kênh BBC Radio 1. Và rồi một ngày, chất giọng mang đặc trưng Anh ấy lại bất ngờ xuất hiện trong 2 video chặt đầu các nhà báo Mỹ gây chấn động thế giới. Những lần này, y hiện diện với tên thánh “John”, trong bộ đồ màu đen, mặt bịt kín và cầm con dao ngắn có răng cưa.
Nét tương đồng về ngoại hình, dáng dấp, phong thái, cũng như những lời lẽ đe dọa Tổng thống Mỹ Obama hay các nhà lãnh đạo khác trên thế giới của tên đao phủ, không thể không khiến người ta nghĩ rằng đó thực sự cùng là một người, và cũng chính là ca sĩ nhạc rap L Jinny.
L Jinny từng có nhiều ca khúc được phát trên kênh phát thanh BBC Radio 1.
L Jinny, tên thật là Abdel-Majed Abdel-Bary, bất ngờ rời bỏ con đường nghệ thuật và tìm đến thánh chiến vào hồi năm ngoái. Y bỗng nhiên trở thành nỗi đe dọa của không ít chính trị gia phương Tây và của cả thế giới, bởi sự man rợ đến kinh tởm của mình: chặt đầu đồng loại.
Đầu năm nay, L Jinny gây sốc khi đăng tải lên trang cá nhân Twitter tấm hình gã đang bêu thủ cấp của một binh sĩ Syria với dòng trạng thái đùa cợt. Bức ảnh ấy, khiến người ta rùng mình như dòng máu lạnh chảy trong con người y, cũng giống như đoạn nhạc rap 2 năm trước y từng hát: “Tôi đang cố gắng thay đổi con đường của mình, nhưng bàn tay đã vấy máu, ôi không thể thay đổi đường đi ấy đến chừng nào tôi có tiền trong ngân hàng. Tôi không phân biệt được thiên thần hay ác quỷ, trái tim tôi đã bị hủy hoại. Tôi cảm thấy không hề bình thường”.
Bức ảnh bêu thủ cấp của một binh sĩ Syria được L Jinny đăng trên trang Twitter sau khi gia nhập IS.
Bạn bè, không mấy ai nắm chắc về tuổi thơ của L Jinny, chỉ hay gã lớn lên trong một gia đình có người mẹ vật lộn với cuộc sống, người cha “rũ xương” trong tù vì những cáo buộc liên quan đến các vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ.
Không khó hiểu khi con trai của một kẻ cực đoan lại trở thành một kẻ cực đoan khác, và điều này đã được thể hiện ngay trong những ca khúc rap của gã: “Hãy cho tôi niềm tự hào và vinh dự như cha tôi, tôi thề là ngày họ đến và giải cha đi, tôi đã có thể giết một hoặc hai tên cảnh sát”.
Cha của L Jinny, Adel Abdel-Majed không phải một tay xã hội đen, nhưng lại là một tín đồ Hồi giáo cực đoan và ủng hộ thánh chiến.
Ông ta là người gốc Ai Cập tị nạn ở Anh và bị bắt vào năm 1998, khi L Jinny mới chỉ lên 6, bởi những cáo buộc tham gia vào vụ tấn công đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania của al-Qaeda. Adel Abdel-Majed, cũng được cho là có liên kết chặt chẽ và là một tín đồ của Ayman al-Zawahiri, kẻ cầm đầu thánh chiền Hồi giáo ở Ai Cập.
Chân dung kẻ được cho là tên đao phủ xuất hiện trong cả 2 video hành quyết dã man nhà báo Mỹ.
Sau cuộc phỏng vấn bà Ragaa, mẹ của L Jinny, nhà báo Victoria Brittain đã viết một cuốn sách, trong đó có kể về những năm chồng bà bị bỏ tù và những ngày tháng bà nuôi con một mình. Brittain viết: “Ragaa, trở thành một ngời mẹ đơn thân, chỉ có thể liên lạc được với chồng mình qua những cuộc điện thoại từ trong tù, hay qua những lần một tổ chức từ thiện Hồi giáo đưa các gia đình đến thăm người thân bị bỏ tù ở Belmarsh, Brixton, Manchester hay Long Lartin”.
Chồng đi tù, một mình nuôi con và sống trong gia đình bị những luật lệ hà khắc của Hồi giáo gây rào cản, bà Ragaa dần trở nên chán nản và sợ hãi thế giới bên ngoài. “Khi bọn trẻ lớn lên, cô ấy bắt đầu nghe được những điều xảy ra bên ngoài căn nhà của mình ở London, với những câu chuyện về ma túy, bạo lực, gây án bằng dao hay trốn học trong đám bạn của con mình. Những điều này khiến cô lo sợ. Cô cho con rời trường và dạy chương trình học phổ thông cho chúng tại nhà. Khi kiệt sức vì những thứ này, vì gánh nặng của trách nhiệm, sức khỏe của Ragaa đã xấu đi rất nhiều”.
Hình ảnh trong video chặt đầu con tin Mỹ được cho là L Jinny.
Và rồi sau đó, con trai của bà, đứa trẻ lớn lên với những ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc thăm viếng cha trong tù, từ một gia đình bị chi phối bởi những khổ đau bởi sự mộ đạo, một người mẹ xa lánh thế giới bên ngoài, và từ thế giới bên ngoài, trên đường phố London những năm 1990, đã dần dần trở nên bất mãn. Sự bất mãn ấy thôi thúc L Jinny tìm đường sang Syria chiến đấu cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng, cho “lý tưởng thánh chiến”, và cho cả những hành động man rợ y đã làm trong video hành quyết những người vô tội.
Dương Trần
Theo Telegraph