'Hành tinh lùn' Diêm Vương tinh có 'bầu trời xanh và nhiều băng đá'
(Thethaovanhoa.vn) - Sau cuộc hành trình kéo dài gần 10 năm với một hành trình 4,8 tỷ km, tàu thăm dò "New Horizons" không người lái đã tiếp cận được sao Diêm Vương và ghi lại những hình ảnh trên "hành tinh lùn" này.
Những hình ảnh màu đầu tiên của sao Diêm Vương được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) công bố ngày 8/10 cho thấy "tiểu hành tinh" lớn nhất trong hệ Mặt Trời này có bầu trời xanh và nước ở dạng băng.
Theo NASA, bức ảnh màu đầu tiên do tàu "New Horizons" gửi về cho thấy các mây mù khí quyển của sao Diêm Vương có màu xanh lam. Các nhà nghiên cứu giải thích các dải màu xanh phản ánh thành phần phân tử của khí quyền nơi đây. Mặt trời bị các phân tử siêu nhỏ trong không khí tán xạ. Tại Trái Đất, các phân tử gây ra tán xạ là nitrogen, còn tại sao Diêm Vương, các phần tử dường như lớn hơn của Trái Đất, nhưng vẫn có kích thước tương đối nhỏ và chúng được gọi là các phân tử tholins.
Ngoài phát hiện bầu trời màu xanh, NASA cũng công bố một "phát hiện quan trọng thứ hai" đó là tìm thấy nhiều khu vực nhỏ có nước dạng băng đá trên bề mặt sao Diêm Vương. Theo nhà khoa học Jason Cook (Giây-xơn Cúc) - một thành viên đội nghiên cứu, những tảng băng này không phải ở dạng "lộ thiên" mà chúng "được ngụy trạng" bởi một lớp băng khác dễ bay hơi hơn bao phủ hầu như toàn bộ hành tinh lùn này.
Bằng cách sử dụng quang phổ kế được trang bị trên tàu "New Horizons", các nhà khoa học đã có thể xác định được vị trí của những tảng băng lớn tại nhiều khu vực khác nhau trên bề mặt sao Diêm Vương. Tuy nhiên, những khu vực được xác định có thể chứa nhiều băng đá nhất dường như lại có màu đỏ sáng - một hiện tượng khiến các nhà khoa học đau đầu để tìm ra nguyên nhân.
Trước đó, ngày 14/7 vừa qua, tàu "New Horizons" đã hoàn thành nhiệm vụ trở thành tàu vũ trụ đầu tiên tiếp cận sao Diêm Vương, mở ra một chương mới trong nghiên cứu về hành tinh lùn nằm ở khu vực Vành đai Kuiper. Là tàu vũ trụ đầu tiên đến gần sao Diêm Vương, "New Horizons" cho các nhà khoa học cơ hội được nhìn cận cảnh do tiểu hành tinh này ở quá xa không thể quan sát bằng các loại kính thiên văn kể cả loại đặt ngoài không gian.
Với kích thước bằng một chiếc đàn dương cầm, tàu mang theo nhiều máy quay, máy ảnh, quang phổ kế và những dụng cụ khác để phân tích nồng độ bụi, đo đạc thành phần bầu khí quyển, tìm kiếm vệ tinh và tạo bản đổ nhiệt của hành tinh này. Hiện tàu "New Horizons" vẫn đang "tích cực" hoạt động để truyền dữ liệu về Trái Đất với khoảng cách gần 5 tỷ km.
TTXVN