'Hạnh phúc của mẹ' chứ không phải 'bom tấn, bom tạ'
(Thethaovanhoa.vn) - Kết quả giải Cánh diều 2019 đã được công bố tại Hà Nội vào chiều 12/5/2020. Nhìn vào 16 phim điện ảnh vào chung khảo, có thể nói tranh nhau ở giải Vàng là “bom tấn, bom tạ” Hai Phượng và Truyền thuyết về Quán Tiên - cùng đoạt Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 21. Nhưng chiến thắng đã bất ngờ thuộc về Hạnh phúc của mẹ, một phim từng “trắng tay” tại LHP Việt Nam lần thứ 21.
Trong 16 phim điện ảnh vào chung khảo Cánh diều 2019, Hạnh phúc của mẹ đoạt Cánh diều Vàng, còn Hai Phượng và Truyền thuyết về Quán Tiên cùng đoạt Cánh diều Bạc.
Ưu ái tình mẫu tử
Nếu so với 2 ứng viên nặng ký là Hai Phượng và Truyền thuyết về Quán Tiên, thì việc chọn Hạnh phúc của mẹ (đạo diễn: Huỳnh Đông) cho thấy Ban giám khảo năm nay có sự ưu ái nhiều hơn với câu chuyện về tình mẫu tử. Phim còn đoạt các giải Biên kịch xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Âm thanh xuất sắc, Nữ diễn viên chính xuất sắc, Diễn viên triển vọng.
- 'Về nhà đi con' thắng giải Cánh diều vàng, bất ngờ cho Ngọc Quỳnh - Hồng Diễm
- Cánh diều 2019: Giải Vàng cho phim doanh thu trăm tỷ?
Phim là hành trình gian nan của Tuệ (Cát Phượng thủ vai), một người mẹ đơn thân sống với đứa con trai bị chứng tự kỷ nặng. Một ngày kia Giang (Kiều Minh Tuấn) xuất hiện, mở rộng vòng tay che chở cho 2 mẹ con, dù anh bị Tuệ cự tuyệt tình cảm rất nhiều lần. Những câu chuyện chân thật về tình mẫu tử và tình người lúc khó khăn có lẽ đã lấy được cảm xúc của Ban giám khảo.
Dù câu chuyện cảm động, dàn dựng gọn gàng, diễn xuất có cảm xúc, thông điệp nhân văn, nhưng phim đã gặp nhiều thử thách. Đầu tiên là phải dời ngày công chiếu do những lùm xùm về đời tư của diễn viên, sau đó là phải đổi tên từ Mẹ Tuệ thành Hạnh phúc của mẹ. Theo Box Office Vietnam, sau 20 ngày ra rạp, phim chỉ thu về hơn 3,8 tỷ đồng, có thể nói là thất bại nặng nề về doanh thu. Giới thạo phim lúc bấy giờ cho rằng nếu để nguyên tên gốc và không dời ngày công chiếu, tình hình doanh thu có thể khả quan hơn ít nhiều, vì phim xứng đáng cho điều đó.
Về tình mẫu tử, chung khảo năm nay còn có Nắng 3: Lời hứa của cha, kể về 2 mẹ con Quế Phương (Khả Như thủ vai) và bé Hồng Ân (Ngân Chi) với chàng đại gia Tùng Sơn (Kiều Minh Tuấn). Xét về tính giải trí và doanh thu thì phim này ăn đứt Hạnh phúc của mẹ, còn về sự xúc động và tính nhân văn thì lép vế hơn.
Có nên tiếc cho “bom tấn, bom tạ”?
Có lẽ với Hai Phượng (đạo diễn: Lê Văn Kiệt) thì không nên, vì khoảng cách giữa Cánh diều Vàng và Cánh diều Bạc của phim này là khá… mong manh. Cũng như tại LHP Việt Nam lần thứ 21, Hai Phượng vẫn là ứng viên đầu tiên cho giải thưởng cao nhất (cuối cùng đoạt Bông sen bạc). Xét về giải trí, tính đến ngày 25/3/2019, đã thu về 200 tỷ đồng, thành phim Việt có doanh thu cao nhất từ xưa đến nay. Còn về chất lượng, phim đã được Bộ VH,TT&DL chọn gởi đi tranh giải ở hạng mục Phim quốc tế hay nhất tại giải Oscar lần thứ 92.
Điểm nổi trội nhất của Hai Phượng là kỹ thuật và nghệ thuật làm phim hành động. Câu chuyện trong phim diễn ra từ trưa đến khuya, gồm 3 hành trình gộp lại, kéo dài từ miền Tây ra đến miền Trung. Đầu tiên là cảnh rượt đuổi trên bờ dưới sông ở miền Tây, tiếp đến là hành động trong các hẻm tại Sài Gòn, cuối cùng là đánh nhau trên tàu lửa đi miền Trung.
Với dân làm phim hành động, di chuyển là áp lực lớn về mọi mặt, đặc biệt khó về chuyện làm bối cảnh, quay phim, âm thanh, ánh sáng, cũng như võ thuật. Có lẽ chính điều này đã giúp Hai Phượng rất nhiều trong việc vươn ra thị trường quốc tế, bởi với kinh phí chỉ 1 triệu USD mà làm được như vậy quả là đáng tò mò để xem và thán phục. Phim Hai Phượng đoạt giải Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất tại Cánh diều 2019 là rất thuyết phục.
Còn với Truyền thuyết về Quán Tiên (đạo diễn: Đinh Tuấn Vũ) thì hơi đáng tiếc một chút thôi, vì phim sẽ công chiếu ngày 22/5 tới đây, nếu đoạt Cánh diều Vàng chắc có tác động nhiều hơn đến khán giả.
Phim do nhà biên kịch kỳ cựu Đoàn Tuấn chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Xuân Thiều (1930-2007). Với đề tài chiến tranh, phim được Nhà nước tài trợ khoảng 70% kinh phí, còn lại kêu gọi xã hội hóa.
Nhưng cũng giống như tại LHP Việt Nam lần thứ 21, dù là ứng viên sáng giá, nhưng phim chỉ đoạt Cánh diều Bạc. Kết quả này lại mang đến cảm giác hài lòng cho giới làm phim và báo giới. Bởi 5-6 năm rồi mới có một phim đề tài chiến tranh, lại do Nhà nước đầu tư, nếu được “chiếu cố” một chút, việc phim đoạt Cánh diều Vàng cũng là điều có thể hiểu được. Nhưng có vẻ BTC của 2 LHP này đã đặt niềm tin vào chính quyết định của các Ban giám khảo.
Khi mới xuất hiện, truyện ngắn Truyền thuyết về Quán Tiên từng gây tranh luận vì đề cập đến chứng bệnh hysteria (tạm hiểu là bệnh thiếu hơi đàn ông) của các nữ thanh niên xung phong. Nhưng với độ lùi và cái nhìn ngày càng cởi mở hơn, câu chuyện đã cho thấy khía cạnh khốc liệt của chiến tranh. Nhà biên kịch và đạo diễn Đinh Tuấn Vũ tiếp tục gia cố để phim có câu chuyện đa chiều, nhiều thân phận và nhân ái hơn.
NSND NguyễnThanh Vân: “Hạnh phúc của mẹ” là một tác phẩm thành công Trưởng ban giám khảo hạng mục Phim truyện điện ảnh tại Cánh diều 2019 - NSND Nguyễn Thanh Vân, cho hay: “Phim Hạnh phúc của mẹ nhận được sự đồng thuận của các thành viên trong ban giám khảo. Giải vàng được trao cho phim bởi đề tài đề cập tới chuyện nuôi dạy trẻ em tự kỷ là một trong những vấn đề nóng hổi được xã hội quan tâm. Bộ phim cũng có sự đồng bộ giữa các khâu sản xuất từ đạo diễn, quay phim, đặc biệt là diễn xuất của Cát Phượng trong vai người mẹ... đã góp phần chuyển tải tốt thông điệp tác phẩm. Với khán giả và Ban giám khảo, bộ phim có thông điệp và chạm tới cảm xúc của người xem thì đó là một tác phẩm thành công”. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng đánh giá Truyền thuyết về Quán Tiên là phim nổi bật hơn những tác phẩm còn lại và đề cao tính chuyên nghiệp của ê-kíp sản xuất phim Hai Phượng. “Hai Phượng có thông điệp rõ ràng, được làm công phu và có thể nói là chuyên nghiệp nhất trong các phim. Tuy nhiên, nhà sản xuất hướng đến thị trường, để tạo sức hút lớn với người xem nên khai thác phần hành động dài làm bộ phim mất cân đối” - đạo diễn Thanh Vân chia sẻ lý do khiến phim chỉ được trao giải Cánh diều Bạc. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chia sẻ thêm: “Nhìn tổng thể, tôi thấy các phim tham dự giải dựa trên kịch bản nước ngoài hoặc làm lại đều có mặt bằng tương đối tốt hơn trước đây, về sự đầu tư, khả năng biểu hiện và sự tử tế của người làm phim... Vài năm trước còn có rất nhiều phim hài nhảm nhưng hiện giờ các nhà sản xuất phim làm rất tốt, có thể kể đến: Hai Phượng, Gái già lắm chiêu 3, Anh trai yêu quái... Tiếc là theo tiêu chí của giải thưởng thì những bộ phim đó khó có giải cao bởi có nhiều yếu tố nước ngoài”. Tiểu Phong (ghi) |
Giải thưởng cho hạng mục Phim truyện điện ảnh - Cánh diều vàng: Hạnh phúc của mẹ - Đạo diễn Huỳnh Đông. - Cánh diều bạc: Hai Phượng - Đạo diễn Lê Văn Kiệt, Truyền thuyết về Quán Tiên - Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ. - Bằng khen: Anh trai yêu quái - Đạo diễn: Vũ Ngọc Phượng, Gái già lắm chiêu 3 - Đạo diễn Bảo Nhân, Namcito. - Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh: Kiều Minh Tuấn vai Phong, phim Anh trai yêu quái và vai bác sĩ Tùng Sơn, phim Nắng 3. - Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh: Cát Phượng, vai Mẹ Tuệ, phim Hạnh phúc của mẹ. - Nam diễn viên phụ xuất sắc phim truyện điện ảnh: Isaac, vai Lâm, phim Anh trai yêu quái. - Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim truyện điện ảnh: NSND Hồng Vân, vai Mệ nội, phim Gái già lắm chiêu. - Diễn viên triển vọng: Oanh Kiều vai Thùy Linh phim Nắng 3, Huy Khang vai Tim phim Hạnh phúc của mẹ. - Biên kịch xuất sắc phim truyện điện ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Bích, phim Hạnh phúc của mẹ. - Đạo diễn xuất sắc phim truyện điện ảnh: Phạm Huỳnh Đông, phim Hạnh phúc của mẹ. - Quay phim xuất sắc phim truyện điện ảnh: Võ Thanh Tiền, phim Hạnh phúc của mẹ. - Thiết kế mỹ thuật xuất sắc phim truyện điện ảnh: Nguyễn Minh Đương phim Hai Phượng. - Âm nhạc xuất sắc phim truyện điện ảnh: Trần Mạnh Hùng phim Truyền thuyết về Quán Tiên. - Âm thanh xuất sắc phim truyện điện ảnh: Vũ Thành Long, phim Hạnh phúc của mẹ và Mắt biếc. PV |
Văn Bảy