Hàng vạn người đội nắng xem hội trận - nghi lễ chính của hội Gióng đền Phù Đổng
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 23/5 (tức mùng 9/4 âm lịch), hội trận – nghi lễ chính của hội Gióng đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã diễn ra, hội trận được tổ chức nhằm tái hiện sinh động trận chiến đánh giặc Ân của đức Thánh Gióng.
- Vui quên lối về với chuỗi lễ hội đặc sắc tại 'thành phố pháo hoa' hè 2018
- Nghệ An: Khai mạc Lễ hội Làng Sen 2018
- Cận cảnh Lễ hội Chợ tình Khau Vai giữ Mèo Vạc, Hà Giang
Hội trận được ví như kịch trường dân gian với sự tham gia của hàng trăm người thuộc cộng đồng dân cư xã Phù Đổng và các khu vực lân cận. Đây đồng thời là hồn cốt của hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Năm nay, Hội Gióng được tổ chức theo nghi thức năm lẻ, do vậy hội trận chỉ thực hiện tại bãi Soi Bia, thay vì được tổ chức ở cả bãi Soi Bia và bãi Đống Đàm như các năm chẵn. Mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng không khí lễ hội vẫn sôi động, thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương đến tham dự. Trên dọc triền đê và bãi Soi Bia nắng gắt, không một bóng cây vẫn chật kín người đứng xem. Khu vực diễn ra hội trận được ngăn cách với khu vực người xem bằng một hào nước rộng, tránh trường hợp ông Hiệu Cờ thực hiện xong các ván “đánh cờ”, người dân xông vào cướp lộc chiếu gây lộn xộn.
Nghi thức “đánh cờ” được bắt đầu khi các ông Hiệu Trống, Hiệu Chiêng gióng ba hồi trống, chiêng; ông Hiệu Trung quân gióng ba tiếng trống khẩu để ông Hiệu Cờ nhận cờ. Tiếp đến, ông Hiệu Cờ tiến ra “chiến trường” là ba chiếc chiếu. Trong trận “đánh cờ”, ông Hiệu Cờ nhảy qua chiếc bát úp trên từng chiếc chiếu, biểu diễn động tác múa cờ theo hình chữ Lệnh. Sau ván cờ thứ nhất, đội phù giá cho quân vào cuốn chiếu mang vào lễ Thánh, các ván cờ tiếp theo người dân lao vào xé chiếu, giành lộc.
Các năm trước, khi Ban tổ chức lễ hội chưa có những biện pháp ngăn chặn việc tranh cướp lộc, đã nhiều lần xảy ra tình trạng đánh nhau gây thương tích. Tuy nhiên, những năm gần đây tại hội Gióng không còn xảy ra tình trạng này vì việc cướp lộc chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp, được ngăn cách với người xem bằng hào nước.
Sau mỗi cuộc “đánh cờ”, các bé gái đóng vai nữ tướng giặc Ân, từng nhóm phải rời kiệu xuống, giương cờ trắng xin hàng. Đoàn quân của Thánh Gióng hành quân về đền Thượng báo tin chiến thắng. Tất cả các nữ tướng bỏ kiệu, giương cờ trắng và đi bộ phía sau đoàn quân Thánh Gióng về đền Thượng làm lễ nộp mũ, dâng kiếm, dâng áo.
Ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, Phó Trưởng Ban tổ chức lễ hội Gióng cho biết, cướp lộc chiếu là tục truyền thống nhưng do những quy định chặt chẽ của Ban tổ chức với các gia đình ông Hiệu trong việc tham gia lễ hội cùng những giải pháp hạn chế người dân vào cướp lộc nên những năm gần đây không còn tình trạng đánh nhau để tranh lộc. Tuy nhiên, trong quá trình tranh lộc hiện nay vẫn còn lộn xộn. Ông Tĩnh cũng khẳng định, ý thức người tham gia lễ hội ngày càng được nâng lên.
Cùng với việc tổ chức các nghi lễ quan trọng của hội Gióng, công tác quản lý lễ hội cũng có nhiều chuyển biến. Bắt đầu từ năm nay, huyện Gia Lâm tổ chức cả lễ hội lẻ thay vì giao cho xã Phù Đổng tổ chức như các năm trước, nhằm đảm bảo công tác tổ chức và quản lý lễ hội được tốt hơn. Ban tổ chức huy động 100 chiến sĩ công an đảm bảo an ninh trật tự trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Khu vực hàng quán kinh doanh cũng được sắp xếp lại tránh việc bày bán lộn xộn, gây nhếch nhác khu vực lễ hội.
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng diễn ra từ ngày 21 - 23/5 (mùng 7 - 9/4 âm lịch) với nhiều nghi lễ truyền thống cùng các hoạt động văn hóa đặc sắc.
Đinh Thuận (TTXVN)