Hãng phim Truyện Việt Nam: Nghệ sĩ muốn xét lại quá trình cổ phần hóa vì không minh bạch
(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi cuộc đối thoại giữa Ban lãnh đạo công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (tiền thân là Hãng phim truyện Việt Nam) và các nghệ sĩ vào chiều 19/9, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc gặp gỡ ngắn với các nghệ sĩ để tìm hiểu tâm thế của họ.
- Thủ tướng yêu cầu rà soát toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam
- Hãng Phim Truyện Việt Nam: Cổ phần hóa xong, chúng tôi không phải đi lái tàu!
- Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái: 'Hãng Phim truyện phải cổ phần, nếu không sẽ phá sản'
"Chúng tôi chỉ muốn sống bằng chính nghề của mình!"
Diễn viên Quốc Tuấn cho biết, cả hãng phim sau cổ phần hóa chỉ có bảo vệ, kế toán làm việc, còn lại chẳng ai có việc để làm.
"Tất cả dãy nhà này trước đây là phòng làm việc của chúng tôi. Bây giờ đều đóng cửa và cho thuê, dồn tất cả nghệ sĩ vào 1 phòng rộng chỉ 20m2", anh Quốc Tuấn chỉ về phía dãy nhà có đề biển "Phòng biên kịch", "Phòng đạo diễn" và "Phòng quay phim".
"Cách đây vài ngày chúng tôi thấy mấy người mặc áo ghi chữ "chân gà nướng" chạy qua chạy lại ở đây, hỏi thì họ không trả lời.
Phòng quay phim thông với quán phở bên cạnh và chúng tôi được biết rằng ông chủ quán cũng định thuê luôn bên này." Diễn viên Quốc Tuấn cũng cho biết, Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Danh Thắng tuyên bố với các nghệ sĩ là không có việc nên không có lương.
"Thực ra trước cổ phần, thời anh Vương Đức cũng đã xập xệ lắm rồi. Không có việc dù cho vẫn đầy đủ các phòng ban.
Chúng tôi sống bằng 17% của 70% lương, những ngày nào không đến hãng thì anh Đức tự ý cho cắt lương.
Bản thân anh Vương Đức trước đây cứ sau 12h hay say rượu và hoàn toàn không làm việc. Sau 8 năm "dưới trướng" của anh Đức, chúng tôi đều mong muốn thay đổi điều đó.
Thực tế trái ngược hoàn toàn với những gì đơn vị cổ đông chiến lược công bố. Cả một hãng phim hiện nay hoàn toàn tê liệt, trang thiết bị tứ tán. Công ty mới này còn yêu cầu chúng tôi mang việc về, điều đó rất vô lý. Trong khi đó là việc của ban giám đốc, của các phòng ban chứ không phải của 1 cá nhân" - diễn viên Quốc Tuấn kể thêm
"Nguyện vọng của chúng tôi bây giờ rất rõ ràng. Đầu tiên là phải xác định lại giá trị góp vốn của chủ đầu tư, không thể định giá 4 mảnh đất của Hãng phim chỉ có 19,7 tỷ được.
Thứ 2 là xác định động cơ của cổ đông chiến lược vì lời nói và việc làm hoàn toàn khác nhau.
Thứ 3 chúng tôi đề nghị xem xét lại quá trình cổ phần hóa bởi rõ ràng là không minh bạch.
Cuối cùng phải xem xét thái độ của đơn vị cổ đông chiến lược với nghệ sĩ từ cách nói năng, ứng xử và mức lương trả cho chúng tôi. Nghệ sĩ làm ra tác phẩm mà họ không tôn trọng thì làm sao họ yêu mến được nền điện ảnh" - nghệ sĩ Quốc Tuấn bày tỏ
Về phía phòng biên kịch, chị Trần Hoàng Thái Ly cho biết: "Công việc của tôi sau khi cổ phần hóa thực ra chưa có gì. Lãnh đạo mới có mời biên kịch lên và nói rằng hiện tại chưa có sản phẩm nên không phải đến cơ quan, đến khi nào có sản phẩm thì mới có lương. Việc này khiến tôi rất bức xúc.
Cách nói của lãnh đạo như thế gần như không cho chúng tôi sáng tác nữa. Các anh chị em nghệ sĩ trong hãng đều mong làm sao cho việc cổ phần hóa tốt hơn, để chúng tôi được sống bằng chính nghề của mình."
Nhà quay phim Nguyễn Việt Hùng thì nói rằng hiện nay phòng quay phim chỉ còn lại 7 người, sống rất èo uột.
Với vai trò "người ngoài cuộc", diễn viên Võ Hoài Nam - người từng đóng "Vua bãi rác" của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn - nhận xét: "Cá nhân tôi rất ủng hộ cho việc cổ phần hóa vì xã hội đi lên mà mỗi cá thể làm ăn độc lập được là rất mừng. Nhưng nếu cổ phần hóa mà làm lụi bại đi thì cổ phần hóa làm gì?
Tôi là người ở giữa nhưng thấy rất tiếc vì tại sao lại làm cho các nghệ sĩ đã không sung sướng gì lại khổ thêm. Thứ 3 hàng tuần chúng tôi họp mặt để vui vẻ, trò chuyện nhưng đến bây giờ thì cửa vào cũng không còn mở nữa, anh em mỗi người một ngả.
Nếu đã đầu tư vào hãng phim thì phải đi theo hướng làm phim thì phải đầu tư xây dựng trường quay tốt đẹp hoành tráng hơn. Các nghệ sĩ ở đây đều đam mê công việc
Đây là lúc đang chuyển giao, có thể 2 bên chưa hiểu nhau và mỗi người 1 mục đích. Tôi chỉ mong làm sao cho hãng phim phát triển".
"Không buôn hay bán 1m đất nào"
Giải đáp bức xúc của các nghệ sĩ về vấn đề dãy phòng làm việc bỏ không và cho thuê, ông Nguyễn Thủy Nguyên – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thủy cho biết các phòng ốc hiện đang rất điêu tàn và không ai sửa chữa.
"Đầu tiên chúng tôi muốn dọn dẹp sạch. Sau đó chia các dãy nhà thành 2 phần. Nhà phía trên cải tạo thành nhà làm việc. Còn nhà phía sau sửa chữa lại để thành các xưởng sản xuất. Kể cả kho mới dọn cũng rất xập xệ, trong khi tính ra giá trị kho chứa khoảng chục tỷ."
Ông cũng khẳng định không hề có chuyện cho thuê hay bán đất như các nghệ sĩ đã phản ánh. Còn việc dồn các nghệ sĩ vào 1 phòng là bất đắc dĩ, do không còn phòng nào khác.
Ông Nguyên kêu gọi các nghệ sĩ cùng hợp tác với chủ đầu tư và Ban lãnh đạo, tìm kiếm các dự án, nhà đầu tư và kịch bản phim chất lượng và cam kết rằng sẽ hỗ trợ, cho vay các điều kiện cần thiết. Và theo ông thì các nghệ sĩ cũng nên chấp nhận những dự án nhỏ để đảm bảo duy trì cuộc sống. "Thậm chí có xã nào đặt hàng tôi cũng sẽ làm!" – ông Nguyên thẳng thắn.
"Điện ảnh hiện nay đang rất khó khăn. Ngân sách thấp, phim nhà nước đặt hàng gần như không có trong khi phim từ nước ngoài đổ về cạnh tranh nhiều. Chúng ta mạnh về làm phim chiến tranh nhưng làm gì có ai xem. Nếu làm phim mà lỗ thì chúng tôi sẽ không làm" – vẫn câu nói của ông Nguyễn Thủy Nguyên tại buổi đối thoại.
Trong buổi đối thoại chiều 19/9, ngoài ông Nguyên là đại diện cho công ty mẹ VIVASCO (Tổng công ty Vận tải thủy) còn có ông Nguyễn Danh Thắng hiện đang là Chủ tịch HĐQT công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam trực tiếp giải đáp thắc mắc của các nghệ sĩ và báo chí.
Trước đó, vào cuối tuần qua 16/9, các nghệ sĩ đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị lên Hội điện ảnh về những vấn đề hậu cổ phần hóa hãng phim.
Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Những bộ phim gắn tên tuổi với hãng: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bao giờ cho đến tháng 10... Thực hiện chủ trương cổ phần hóa, năm 2016, Hãng phim được Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại. Tuy nhiên, từ đó đến ngay, đông đảo nghệ sĩ vẫn vô cùng bức xúc và nghi ngờ quá trình cổ phần hóa này có nhiều "khuất tất"? |
Hà My