Hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được khẩn trương giải quyết trong năm 2020
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều nội dung nổi bật trong công tác của ngành kiểm sát trong thời gian qua về điều tra, truy tố các vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận quan tâm; công tác thi hành án, thu hồi tài sản;... đã được đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thông tin, trao đổi với báo chí tại buổi họp báo về Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 – 26/7/2020).
Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được khẩn trương giải quyết
Đáng chú ý, tại họp báo, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định, đơn đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương giải quyết trong năm 2020 các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ như vụ Nhật Cường; vụ án tại Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) và vụ án Gang thép Thái Nguyên.
- Xử lý tội phạm tham nhũng – Quyết tâm chính trị và sự công tâm - Bài cuối: Nỗ lực cho sự ổn định và phát triển
- Xử lý tội phạm tham nhũng – Quyết tâm chính trị và sự công tâm - Bài 2: Tập trung thu hồi tài sản tham nhũng
- Xử lý tội phạm tham nhũng – Quyết tâm chính trị và sự công tâm - Bài 1: Trừ 'giặc nội xâm' - khó vẫn phải làm
Ngay trong tháng 7/2020, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can với Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương; Hồ Thị Kim Thoa – cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương trong vụ án Sabeco; Trần Vĩnh Tuyến – nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các bị can khác trong vụ án Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn…
Trong thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, đơn vị đã kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ có chức vụ cao như vụ Đinh La Thăng; 2 cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn;…
Nhiều vụ án về kinh tế, tham nhũng được dư luận đặc biệt quan tâm được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương ban hành cáo trạng truy tố chỉ trong thời gian ngắn từ 5 – 7 ngày sau khi kết thúc điều tra. Ví dụ: vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; vụ liên quan việc góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào ngân hàng OceanBank…
Trong quá trình thực hành quyền công tố, Viện Kiểm sát đã áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tài sản do tham nhũng mà có; kiên quyết yêu cầu cơ quan điều tra kê biên, phong tỏa tài sản… qua đó hạn chế được tình trạng bị can tẩu tán hoặc che giấu, hợp thức hóa tài sản.
Điển hình, Viện Kiểm sát góp phần thu hồi gần 9.000 tỷ đồng bị thất thoát, chiếm đoạt trong vụ Mobifone mua AVG; phong tỏa tài sản trị 6.100 tỷ đồng trong vụ Phạm Công Danh; xác minh, kê biên 185 bất động sản, phong tỏa 26 tài khoản… với trị giá trên 10.000 tỷ đồng trong vụ Hứa Thị Phấn.
Viện Kiểm sát cũng yêu cầu thu hồi số tài sản, nhà đất trị giá hơn 20.000 tỷ đồng trong các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; ngăn chuyển nhượng trên 1.000 tỷ đồng và chặn giao dịch 14,5 triệu USD tại Lào trong vụ án Trần Bắc Hà và đồng phạm ở ngân hàng BIDV...
Viện Kiểm sát đã góp phần thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ cao, riêng trong năm 2019 đã thu được hơn 35.000 tỷ đồng trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; đạt tỷ lệ 47,32%.
Sẽ kiến nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải
Về vụ án Hồ Duy Hải được dư luận quan tâm, ông Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), khẳng định, kháng nghị giám đốc thẩm là “có căn cứ, đúng pháp luật, hoàn toàn cần thiết; quan điểm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khi ra kháng nghị là hết sức thận trọng, chắc chắn, vừa đảm bảo quyền con người với bị án Hồ Duy Hải Hải, vừa đảm bảo công lý đối với bị hại”.
Theo ông Hồ Đức Anh, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng hai người bị giết, vụ án phức tạp kêu oan kéo dài qua nhiều cấp xét xử, vừa rồi phiên giám đốc thẩm là cấp cao nhất. Viện Kiểm sát nhận thấy quá trình xử lý vụ án từ điều tra, xét xử có nhiều sai sót, nhiều mâu thuẫn, nhiều tình tiết quan trọng chứng minh hành vi phạm tội chưa được các cấp điều tra, tố tụng làm rõ.
Sau phiên tòa giám đốc thẩm, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có báo cáo gửi Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để theo dõi chỉ đạo. Trong nội dung báo cáo này, Viện Kiểm sát tiếp tục khẳng định kháng nghị là có căn cứ, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và hoàn toàn cần thiết.
Ông Đức Anh cho biết thêm, đến nay, Viện Kiểm sát đang tập trung nghiên cứu quyết định giám đốc thẩm đã tuyên, đồng thời theo dõi ý kiến, kiến nghị từ các cơ quan liên quan. Từ đó, quan điểm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là có thể sẽ thực hiện quyền kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải theo quy định tại Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Xuân Tùng/TTXVN