Hàng loạt tướng lĩnh hiện diện ở Nhà Trắng: Nỗi lo siêu quyền lực Lầu Năm Góc
(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi người tiền nhiệm Barack Obama được cho là không thoải mái khi ở gần các tướng lĩnh và thường tránh liên lạc trực tiếp với họ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, hàng loạt tướng quân đội Mỹ đã có mặt ở Nhà Trắng. Tại sao vậy và việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sự vận hành các chiến dịch của Lầu Năm Góc?
- Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm Bộ Trưởng An ninh nội địa làm 'tổng quản' Nhà Trắng
- Ông Donald Trump: Ông Putin mong bà Hillary làm tổng thống Mỹ chứ không phải tôi
- Dịch vụ giúp hẹn hò với 'bản sao' của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Kim siêu vòng 3...
Khi nhận được câu hỏi tại sao "Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử cựu tướng Hải quân John Kelly làm Chánh văn phòng Nhà Trắng", Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) Mick Mulvaney đã trả lời ngắn gọn: “Bạn biết đó, ông ấy thích làm việc với các vị tướng”.
Cây bút tại hãng thông tấn Reuters (Anh) Peter Apps nhận định rằng một nhóm nhỏ nhưng ngày càng nhiều các cựu sỹ quan cao cấp quân đội hiện vẫn hoạt động và thậm chí phát triển mạnh trong chính quyền Tổng thống Trump. Tổng thống Trump dường như ngày càng đặt niềm tin vào tính kỷ luật, lòng trung thành và khả năng gây ảnh hưởng của những cựu quan chức quân đội này.
Nhóm những tướng lĩnh và cựu sỹ quan cao cấp được trọng dụng tại Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng - tướng Hải quân về hưu James Mattis, Cố vấn An ninh Quốc gia – tướng 3 sao H.R. McMaster và Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly hiện đều giữ vị trí trọng yếu của chính quyền Tổng thống Trump. Ông Apps cho rằng ảnh hưởng của những nhân vật này có thể vượt qua khỏi chính sách an ninh và đối ngoại, lấn tới chính trị quốc gia.
Những ý kiến ủng hộ hy vọng rằng các quan chức, cựu quan chức quân đội Mỹ này sẽ bồi đắp sự tỉnh táo và kinh nghiệm, thứ đang thiếu trong chính quyền đương nhiệm. Trong khi đó, phía phản đối lại cáo buộc nhóm này đã liều lĩnh chính trị hóa lực lượng vũ trang và chuyển tín nhiệm cho nhiệm kỳ tổng thống chưa xứng đáng.
Trên thực tế, các quan chức quân đội này gần như là những đối tượng duy nhất mà Tổng thống Trump tin tưởng, tôn trọng và muốn lắng nghe.
Nhiều quan chức quân đội cấp cao khác cũng gặt hái thêm được vai trò quan trọng. Trong tuần trước, cựu tướng Mỹ Anthony Zinni được chỉ định là đặc phái viên giải quyết vấn đề khủng hoảng ngoại giao liên quan tới Qatar.
Đã xuất hiện dự đoán rằng trong thời gian tới nhiều “cuộc đấu đá” chính trị sẽ diễn ra. Cái tên được nhắc đến là ông Kelly, người hiện phải vận hành cả bộ máy chính trị Nhà Trắng mặc dù không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chủ chốt như giải quyết với Quốc hội.
Còn có thông tin cho rằng ông McMaster đang đối đầu với Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Steve Bannon bởi vị tướng 3 sao này bất đồng quan điểm với ông Bannon trong nhiều vấn đề như trừng phạt Nga, thỏa thuận hạt nhân Iran và quân số Mỹ tới Afghanistan.
Tổng thống Trump đã từng phải chia tay một vị cựu sỹ quan cao cấp quân đội trong chính quyền của mình - tướng Mike Flynn. Vào tháng 2 vừa qua, tướng về hưu Flynn đã từ chức khỏi vị trí Cố vấn Anh ninh Quốc gia sau bê bối về các buộc liên hệ giữa ông với Nga. Đây là một trường hợp gây xôn xao, nhưng dường như những vị quan chức, cựu quan chức quân đội hiện đang làm việc trong chính quyền của ông Trump lại khá gắn kết với nhau.
Ông Mattis, Kelly, McMaster và những quan chức cấp cao quân đội Mỹ hiện nay đều từng có thời gian tham gia chiến dịch tại Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, vẫn có những tình huống khó xử xảy ra giữa nhóm này khi một nhân vật bỗng nhiên “hoạt ngôn” hơn những người khác.
Trong tuần trước, một vị tướng tại Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đã công khai chỉ trích dự định cấm người chuyển giới hoạt động trong quân ngũ của Tổng thống Trump. Trong cùng thời điểm này, những quan chức Lầu Năm Góc khác đều lảng tránh phát biểu trực tiếp về kế hoạch mới này của ông Trump.
Tướng Mark Milley, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, ngày 27/7 đã chia sẻ với báo giới rằng ông không hề hay biết bất cứ điều gì về ý định cấm người chuyển giới hoạt động trong quân ngũ của Tổng thống Trump. Và tướng Milley cũng nhấn mạnh rằng việc chỉ huy cấp cao trong quân đội biết về ý định của Tổng thống từ truyền thông là điều không bình thường.
Tuy nhiên, dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, những ông chủ Nhà Trắng này cũng thường công bố các vấn đề quân sự với công chúng, như quân số đến Afghanistan, mà không hề báo trước cho các chỉ huy quân đội tại Washington.
Dưới thời Tổng thống Mỹ thứ 44 Obama, các quan chức chóp bu tại Lầu Năm Góc thường than phiền rằng ông chủ Nhà Trắng không thoải mái khi ở gần các tướng lĩnh và thường tránh liên lạc trực tiếp với họ. Nghịch lý ở chỗ chính quyền của ông Obama thường bị cáo buộc kiểm soát mọi góc cạnh của các chiến dịch, đặc biệt khi có liên quan tới Lực lượng Đặc nhiệm.
Đối ngược lại, ông Trump có xu hướng để các nhân vật cấp cao Lầu Năm Góc tự vận hành chiến dịch của họ. Tổng thống Trump đã tạo điều kiện để quân đội Mỹ có thêm quyền hạn thực hiện chiến dịch và còn có thông tin rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mattis còn được tự quyết định liệu có gửi thêm binh sĩ Mỹ tới Afghanistan hay không.
Tuy nhiên đã xuất hiện lo ngại sau khi báo cáo về người dân thường thiệt mạng do hành động của Mỹ tại Iraq, Syria tăng lên kể từ thời điểm ông Trump bước vào Nhà Trắng. Điều này dẫn đến nghi ngờ quân đội đang âm thầm sử dụng lực lượng một cách bừa bãi trong những cuộc xung đột này.
Vị việc từ khóa “#presidentMattis” (Tổng thống Mattis) trở thành xu hướng trên mạng xã hội Twitter trong tuần cuối tháng 7 cũng là chi tiết đáng để ông Trump cân nhắc.
Ông Apps cho rằng nhóm những tướng lĩnh, cựu sỹ quan cao cấp trong chính quyền Tổng Thống Trump cũng sẽ ở thế khó khi họ nhiều khả năng đối mặt với chỉ trích cho bất cứ điều sai lầm nào của ông chủ Nhà Trắng.
Hà Linh/Báo Tin Tức