Hàng chục nhà ngoại giao tới Hàn Quốc học nhảy kiểu Kpop
(Thethaovanhoa.vn) - Vào một buổi sáng yên tĩnh đầu tháng Tư, giảng đường của Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc giữa lòng thủ đô Seoul bỗng chật kín những con người lòng đầy hứng khởi khi tham gia lớp học về văn hóa truyền thống Hàn Quốc.
- Múa 'Hàn Quốc, vẻ đẹp và sức sống' tại Hà Nội và Huế
- Ngôi sao hallyu Park Hae Jin – Người Hàn Quốc đầu tiên xuất hiện trên bộ tem Trung Quốc
- Ra mắt cuốn sách 'Giải mã Hàn Quốc sành điệu'
Quỹ đã mời 38 nhà ngoại giao từ 34 quốc gia tham gia vào chương trình học tiếng và văn hóa Hàn kéo dài 3 tháng, từ ngày 4/3 - 20/5. Tính từ năm 2005, đã có 304 quan chức ngoại giao từ 94 nước trải nghiệm khóa học thường niên, được tổ chức nhằm nâng cao sự hiểu biết về văn hóa Hàn Quốc này.
Trong quá trình lưu trú ở Seoul, họ được học ngôn ngữ; samulnori, một bộ gõ truyền thống của Hàn quốc, môn võ taekwondo, thư pháp và cả những điệu nhảy đặc trưng của K-pop.
Ấn tượng lớp học khắc dấu cá nhân
Chủ đề ngày học mà tác giả bài viết có dịp tham dự là yêu cầu học viên tự tạo một con dấu của riêng mình theo phong cách Hàn Quốc, sử dụng một công cụ bằng gỗ để gọt dũa, một con dao và một chiếc găng tay.
Các nhà ngoại giao trẻ đang thực hành khắc con dấu cá nhân. Ảnh: Yonhap News
Kwon Dong-yeon, giảng viên phụ trách chương trình giáo dục dành cho người nước ngoài tại bảo tàng, đã hướng dẫn cả lớp thực hành sau khi đưa ra một bài thuyết trình thú vị về con dấu cá nhân là gì và làm sao để tạo ra nó.
"Ở Hàn Quốc, dấu cá nhân được xem là hợp pháp và có tầm quan trọng đối với nhà nước cũng như các cá nhân vì nó biểu thị bạn là ai và địa vị xã hội của bạn. Mọi người thường đóng con dấu riêng lên những món đồ họ muốn khẳng định quyền sở hữu. Hầu hết mọi người cũng luôn mang dấu theo người, như một tấm bùa hộ mệnh vì tin rằng chúng có thể bảo vệ họ" - nữ giảng viên cho biết thông qua một người phiên dịch tiếng Anh - "Trong quá khứ, một số người sử dụng con dấu làm từ gỗ của một cây táo tàu bị sét đánh với niềm tin rằng chúng có thể xua đuổi tà ma và mang lại may mắn. Ngày nay, một số cửa hàng địa phương tại Hàn Quốc vẫn còn bán loại dấu này với giá rất cao".
"Đây là một trải nghiệm thú vị" - Meekin Alexander Mark, một thực tập sinh sau đại học của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, cho biết - "Tôi không nghĩ mình đã làm quá tốt, nhưng điều thú vị nằm ở chỗ tôi được nghe kể về lịch sử của những con dấu và tự làm một cái cho bản thân mình."
Novkova Katina Sashkova, thư ký thứ nhất của Cục Đông Á thuộc Bộ Ngoại giao Bulgaria thì chia sẻ: "Trải nghiệm này rất thú vị, nhưng tôi cũng nhận ra rằng thật khó để làm một con dấu đẹp và chuẩn".
Những điệu nhảy đặc trưng Kpop luôn có sức hấp dẫn lớn
Khi được hỏi đâu là phần khó khăn nhất trong quá trình làm dấu, cô không ngần ngại trả lời: "Khắc. Đó là công đoạn khó nhất bởi vì ta cần phải tuân theo một số kỹ thuật nhất định. Các giáo viên đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Vì vậy, kết quả đều tốt đẹp cả" - Sashkova chia sẻ đầy tự hào và khoe con dấu với có khắc tên mình.
Tin Win Aung Moe, trợ lý Chánh Văn phòng Thư ký thường trực của Bộ Ngoại giao Myanmar, nói rằng ông sẽ sử dụng con dấu trên bưu thiếp và thư gửi cho gia đình và bạn bè mình trong khi lưu trú tại Hàn Quốc: "Vì làm trong ngành ngoại giao, chúng tôi có cơ hội viết thư cho bạn bè và các đồng nghiệp Hàn Quốc của mình, nghĩa là chúng tôi cũng có dịp sử dụng các con dấu. Sau khi ký tên, chúng tôi có thể đóng dấu tên mình, để thể hiện tình cảm với những người bạn Hàn Quốc".
Ngoài các lớp học văn hóa Hàn Quốc, các nhà ngoại giao tham dự khóa học còn đến thăm cung điện hoàng gia, bảo tàng, một khu chợ truyền thống, tòa nhà Quốc hội ở Seoul, bên cạnh các cơ sở công nghiệp và các điểm du lịch ở một số thành phố.
Họ cũng học tiếng Hàn tại Trung tâm Ngôn ngữ học Hàn Quốc của Đại học Quốc gia Seoul (KLEC) mỗi buổi sáng các ngày trong tuần, trừ những hôm có hoạt động văn hóa hay các tour du lịch. "Họ học tiếng Hàn khoảng 16 giờ/tuần" - Lee Hyun-eui, một giảng viên của KLEC cho biết thêm - "Dù chỉ ở lại trong một thời gian ngắn, nhưng họ sẽ trở về nhà với một ấn tượng tốt đẹp về Hàn Quốc, rồi trong số họ sẽ có những người trở thành nhà ngoại giao cấp cao và trở lại đây" - ông Choi Jae-jin, giám đốc Korea Foundation cho biết.
Ông Choi nhấn mạnh thêm rằng mình chắc chắn những người này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và nước họ trong thời gian dài.
Duy An
Theo Yonhap News