Hàn Quốc có thể tự đóng tàu ngầm hạt nhân đối phó Triều Tiên
(Thethaovanhoa.vn) - Hàn Quốc đang xem xét nâng cấp chương trình quốc phòng "3 trục" bằng cách tự đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và mua vệ tinh do thám để đối phó với mối đe dọa Triều Tiên.
- Lời đe dọa từ Hàn Quốc ám sát ông Kim Jong-un 'nguy hiểm' đến đâu?
- Hàn Quốc họp về khẩn về nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên
Tại cuộc gặp song phương lần thứ hai hôm 21/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cam kết tăng cường động thái phòng thủ chung chống Triều Tiên thông qua việc Hàn Quốc mua và phát triển các khí tài quân sự rất hiện đại, cũng như thông qua việc triển khai vũ khí chiến lược của Mỹ trong và xung quanh Hàn Quốc.
Tuy nhiên, để triển khai các tàu ngầm hạt nhân của riêng mình, Seoul sẽ phải đáp ứng được chi phí ít nhất là 880 triệu USD cho mỗi chiếc tàu ngầm, chưa kể chi phí bảo trì khổng lồ hàng năm, cũng như đảm bảo nguồn cung ổn định về nhiên liệu hạt nhân.
Chính phủ Hàn Quốc cũng công bố kế hoạch chi nhiều hơn cho các công cụ giám sát, bao gồm vệ tinh do thám và máy bay không người lái. Cho đến nay, quân đội của Hàn Quốc vẫn phụ thuộc vào thông tin vệ tinh của Mỹ về các căn cứ tên lửa và các địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên.
Chiến lược quốc phòng 3 trục của Hàn Quốc được công bố vào năm 2016 gồm ba nhân tố chính: Hệ thống tấn công phủ đầu "Kill Chain", hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa Hàn Quốc (KAMD) và chương trình trừng phạt và trả đũa quy mô lớn Hàn Quốc (KMPR).
TTXVN/Báo Tin Tức