Hàn Quốc bắt đầu trục vớt phà Sewol 3 năm sau thảm họa
(Thethaovanhoa.vn) - Hàn Quốc đã bắt đầu trục vớt phà Sewol ngày 22/3, gần 3 năm sau thảm họa chìm phà làm hơn 300 người thiệt mạng. Việc trục vớt ban đầu được lên kế hoạch tiến hành vào cuối năm 2016, song đã phải hoãn lại nhiều lần vì điều kiện thời tiết không cho phép.
- Công ty Trung Quốc sẽ trục vớt phà Sewol của Hàn Quốc
- Ngày giỗ đầu của các nạn nhân vụ chìm phà Sewol
Trước khi kéo phà lên, lực lượng cứu hộ đã thử nâng phà lên khỏi đáy biển khoảng 1 mét vào lúc 15h30' để các chuyên gia kiểm tra. Theo kế hoạch, sau khi được trục vớt, phà Sewol sẽ được đưa tới cảng Mokpo để tiến hành kiểm tra và tìm kiếm thi thể những người mất tích được cho là có thể đang mắc kẹt bên trong.
Người thân các nạn nhân của vụ chìm phà Sewol tại lễ tưởng niệm ngày 15/4/2015. Ảnh: AFP/TTXVN
Dự án trục vớt phà với phí tổn85,1 tỉ won (72 triệu USD) do một hiệp đoàn Trung Quốc thực hiện, dẫn đầu là tàu Cứu hộ Thượng Hải thuộc quản lý của nhà nước Trung Quốc, cùng 2 sà lan lớn đem theo nhiều túi khí.
Phà Sewol, có trọng tải 6.825 tấn, đã ở sâu khoảng 40m dưới biển kể từ khi bị lật và chìm ngoài khơi đảo Jindo, thuộc tỉnh Nam Jeolla Tây Nam Hàn Quốc, vào ngày 16/4/2014. Phà chở 476 người, trong đó 304 người đã thiệt mạng, hầu hết nạn nhân là học sinh đang trong chuyến dã ngoại do nhà trường tổ chức.
Đến nay, vẫn còn 9 người mất tích, được cho là có thể đang mắc kẹt bên trong phà. Chính vì vậy, các gia đình nạn nhân yêu cầu trục vớt phà nguyên vẹn. Nhiều người nhà nạn nhân đã đến làm lễ cầu nguyện tại một khu trại trên đỉnh đồi ở Donggeochado, hòn đảo gần nhất với nơi phà đắm, chỉ cách 1,5km. Khoảng 50 người nhà nạn nhân đang theo dõi sát tiến độ trục vớt phà.
Các nhà điều tra đã kết luận rằng thảm họa trên chủ yếu do con người gây ra, hậu quả của việc chở quá tải, thủy thủ không có kinh nghiệm. Trưởng phà Lee Jun-Seok đã bị kết án tù chung thân với tội danh "giết người do bất cẩn" và 14 thủy thủ phải chịu mức án tù giam từ 2-12 năm.
Thảm họa chìm phà Sewol cũng là một trong những vấn đề làm rúng động chính trường Hàn Quốc vừa qua. Tổng thống Park Geun-hye (Pắc Cưn Hê), người hiện đã bị phế truất liên quan đến vụ bê bối chính trị nghiêm trọng, bị cáo buộc phản ứng chậm, lơ là trách nhiệm đối với thảm họa này và đây là một trong những nội dung luận tội bà ở Quốc hội hồi tháng 12/2016, tuy nhiên Tòa án Hiến pháp sau đó đã phán quyết rằng không đủ bằng chứng để buộc tội bà về việc này.