Hải quân Việt Nam có thêm 2 chiến hạm hiện đại
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/10, Tổng Công ty Ba Son phối hợp với Lữ đoàn 167 (Vùng 2 Hải quân) tổ chức Lễ giao, nhận và thượng cờ hai tàu tên lửa hiện đại.
- Chiến hạm Nhật Bản cập cảng Cam Ranh
- Tàu ngầm lớp Kilo thứ 5 đã có mặt tại vịnh Cam Ranh
- TOÀN CẢNH Tàu ngầm HQ-184 Hải Phòng cập Quân cảng Cam Ranh
Theo báo QĐND, ngày 9/10, tại Đồng Nai, Tổng Công ty Ba Son phối hợp với Lữ đoàn 167 (Vùng 2 Hải quân) tổ chức Lễ giao, nhận và thượng cờ hai tàu tên lửa M5 và M6 phiên hiệu 382 và 383. Dự buổi lễ có Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân; đại diện lãnh đạo các đơn vị và địa phương.
Hai tàu 382 và 383 là loại tàu tên lửa tấn công có tốc độ cao, hỏa lực mạnh, quy tụ những thành tựu kỹ thuật tiên tiến và công nghệ hiện đại thuộc lớp Molniya.
Hai tàu được biên chế cho Lữ đoàn 167, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Vùng 2 và Quân chủng Hải quân.
Tại lễ thượng cờ, lãnh đạo Vùng 2 Hải quân đã trao Quốc kỳ và Hải kỳ cho các đồng chí truyền trưởng, chính trị viên 2 tàu. Sau đó Quốc kỳ và Hải kỳ được kéo lên trên nóc hai tàu 382 và 383.
Hai tàu 382 và 383 là cặp tàu thứ 3 được Tổng Công ty Ba Son đóng và bàn giao cho Quân chủng Hải quân. Như vậy, qua 8 năm thực hiện, Tổng công ty Ba Son đã hoàn thành dự án đóng 6 tàu tên lửa đúng tiến độ đề ra, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiến kiệm, đồng thời khẳng định khả năng tự chủ, tự bảo đảm trang bị kỹ thuật hiện đại cho quân đội và năng lực sản xuất của nền công nghiệp quốc phòng.
Theo Tổng Công ty Ba Son, tàu M5, M6 còn gọi là chiến hạm “Tia chớp” là tàu tên lửa thuộc lớp Molniya 1241.8 được đóng tại Việt Nam theo giấy phép của Nga.
Đây là loại chiến hạm nhỏ nhưng có hỏa lực mạnh, được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại tàu chiến, tàu vận tải, cũng như tàu đổ bộ của đối phương.
Molniya 1241.8 có lượng giãn nước đầy tải 550 tấn; dài 56,1m; rộng 10,2m, mớn nước 2,14m; vận tốc tối đa 38 hải lý/giờ; thủy thủ đoàn 40 người.
Vũ khí chính của Molniya là tên lửa hành trình đối hạm 3M24 Uran - E với 16 đạn, được bố trí ở 4 bệ phóng 2 bên sườn tàu.
Loại tên lửa này có khả năng đánh chìm chiến hạm có lượng giãn nước lên tới 5.000 tấn với quỹ đạo bay cực thấp chỉ 3 - 5 m trên mặt biển.
Ngoài tên lửa Uran - E, tàu còn được trang bị 1 pháo hạm tự động AK-176M cỡ nòng 76,2 mm, 2 pháo phòng không cao tốc AK-630M và 12 tên lửa đối không tầm thấp Igla.
Về thiết bị điện tử, tàu được trang bị radar mạng pha 3 chiều Pozitiv-ME1 trinh sát mục tiêu trên không; radar trinh sát mặt nước Garpun-Bal, radar điều khiển hỏa lực (pháo, tên lửa) MR-123, hệ thống đối kháng điện tử, mồi bẫy…
Đánh giá về sức mạnh của chiến hạm “Tia chớp” hãng tin Sputnik cho biết, tàu tên lửa tấn công nhanh Molnya là mẫu tàu tốt nhất so với các tàu chiến cùng lớp trên thế giới. Cơ sở sức mạnh của tàu tên lửa tấn công nhanh Molnya là hệ thống 16 tên lửa Uran - E, cho phép nó đương đầu ngang sức ngang tài với các tàu lớn hơn của đối phương như tàu khu trục hoặc chiến hạm.
* Trước đó, ngày 12/7/2013, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định 2495/QĐ-BQP thành lập Lữ đoàn tàu pháo - tên lửa 167 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, với chức năng là đơn vị chiến thuật có thể độc lập hoặc hiệp đồng tác chiến với các lực lượng khác trong các chiến dịch của Quân chủng Hải quân và hiệp đồng quân binh chủng. Đặc biệt, lữ đoàn sẽ cùng các đơn vị của Bộ Tư lệnh Vùng 2 quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa Tổ quốc và cơ động lực lượng chiến đấu theo yêu cầu nhiệm vụ”. Ngày 4/10/2013, tại căn cứ ở Nhơn Trạch, Đồng Nai, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã tổ chức lễ ra mắt Lữ đoàn tàu pháo - tên lửa 167.
Theo Thông tin Chính phủ