Hải Phòng suýt giành vé dự AFC Champions League, nhân vật số 1 ở sân Lạch Tray lộ diện?
Không còn nghi ngờ gì nữa khi khẳng định, HLV Chu Đình Nghiêm chính là vị chiến lược gia giàu thành tích nhất trong lịch sử V-League. Trong 5 năm dẫn dắt CLB Hà Nội (2016-2021), ông đã đem lại 3 chức VĐQG. Trước đó, cựu cầu thủ người Thanh Hoá với vai trò phó tướng ở sân Hàng Đẫy dưới thời chánh tướng Phan Thanh Hùng, đã có thêm 2 lần quán quân cùng CLB Hà Nội. Đấy là chưa kể các danh hiệu khác ở Cúp quốc gia hay Siêu Cúp.
Mùa giải 2019, Hà Nội FC lọt vào đến các trận chung kết liên khu vực của AFC Cup, một cột mốc lịch sử của bóng đá Việt Nam ở đấu trường châu lục, cũng chính là gắn với tên tuổi của HLV Chu Đình Nghiêm.
Chia tay Hà Nội FC, HLV Chu Đình Nghiêm cập bến Hải Phòng trong rất nhiều nghi ngại, bởi không phải HLV ngoại tỉnh nào cũng thành công tại đây, mà tiêu biểu là việc HLV Hoàng Anh Tuấn đã nửa đường gãy cánh ở Lạch Tray.
Tuy nhiên, dưới bàn tay của HLV Chu Đình Nghiêm, đội bóng đất Cảng đã chơi tưng bừng ở mùa giải 2022, vượt qua nhiều đại gia để cán đích ở vị trí thứ 2, đồng nghĩa với suất chơi vòng sơ loại AFC Champions League mùa này.
Nhìn vào đội hình của Hải Phòng trong ít nhất 2 mùa giải gần nhất, có lẽ chỉ mỗi Nguyễn Hải Huy là đáng kể. Hải Huy tuy chưa từng là trụ cột ở các ĐTQG, nhưng lại chơi cực hay trong màu áo CLB, từ Than Quảng Ninh đến Hải Phòng lúc này. Việc "giật" lại Hải Huy từ tay CLB TP.HCM được xem là phi vụ chuyển nhượng thành công nhất của CLB Hải Phòng sau khi Than Quảng Ninh tan rã.
Ở hành lang cánh phải là Lương Hoàng Nam, cầu thủ loại 2 của Học viện Hàm Rồng, từng phải xuôi về giải hạng Nhì để được thi đấu. Trung vệ lệch phải là Triệu Việt Hưng, một món hời khác mà HAGL thải ra, còn Lương Xuân Trường đã qua thời đỉnh cao và chưa từng lấy được vị trí chính thức, kể từ ngày chuyển ra Hải Phòng. Hữu Sơn, Martin Lò, Văn Tới, Minh Dĩ... đều còn trẻ và khá vô danh. Thủ môn Đình Triệu từng "lang thang" bắt cả giải phong trào ở TP.HCM...
Vậy, HLV Chu Đình Nghiêm đã làm gì và như thế nào, để biến một tập hợp những "công nhân" này trở thành một đội quân thiện chiến? Ông Nghiêm tỉ mỉ chắp vá, với lối chơi ban bật cự ly ngắn và trung bình mà ông lãnh hội được từ thời làm phó tướng cho HLV Phan Thanh Hùng ở sân Hàng Đẫy, yêu cầu các cầu thủ di chuyển không bóng liên tục. Sự đóng góp của các ngoại binh như Mpande và Yuri Mamute cũng là rất đáng kể trong tổng thể lối chơi.
Ở Lạch Tray, đội bóng của HLV Chu Đình Nghiêm có một chỗ dựa cực kỳ vững chắc, đó là các khán đài rực sắc màu cổ động. Không phải CAHN, Hà Nội FC hay Viettel, mà chính Hải Phòng, Thanh Hoá mới là những CLB đem lại nhiều cảm xúc nhất, cả trên khán đài lẫn dưới sân. Trong nhiều năm, Nam Định cũng từng sở hữu những chất liệu ấy, nhưng họ lại vừa bỏ đi mất rồi. Kinh đô của bóng đá, của V-League vẫn phải là pháo đài Lạch Tray.
Trở lại với Chu Đình Nghiêm và câu chuyện không phải cổ tích đã và đang được viết lên cho bóng đá xứ hoa phượng đỏ. Ngay trên sân của đại diện K-League 1 là Incheon United, Hải Phòng FC đã cầm chân đối phương sau 90 phút với tỷ số hòa 1-1, và chỉ chịu thua ở cuối hiệp phụ do đã xuống sức.
Hải Phòng ngẩng cao đầu rời AFC Champions League. Đây là điều có thể được dự báo từ trước, và Hải Phòng FC dù rớt xuống chơi ở AFC Cup thì cũng không phải hổ thẹn.
Với tất cả những gì mà HLV Chu Đình Nghiêm đã và đang xây dựng trong lối chơi của Hải Phòng, người hâm mộ đất Cảng có quyền kỳ vọng vào một mùa giải tưng bừng nữa, ở cả quốc nội lẫn quốc tế.