Hai góc nhìn mới lạ về 'Truyện Kiều'
(Thethaovanhoa.vn) - 16/9 là ngày mất của Nguyễn Du, nhưng gần đây không khí tưởng niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào như đã “nóng” lên với những tọa đàm, hội thảo, trò chuyện… Đặc biệt tuần này có 2 cuộc tọa đàm, thảo luận được xem là 2 góc nhìn lạ về Truyện Kiều của Nguyễn Du, trong đó, buổi tọa đàm với diễn giả là nhà nghiên cứu Nhật Chiêu được xem là tọa đàm rất hàn lâm…
1. Tọa đàm Tiếng Kiều đồng vọng: Một mơ tưởng nguyên tố diễn ra lúc 8h30 ngày 29/6 tại Đại học KHXH&NV (12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM) do nhà nghiên cứu Nhật Chiêu trình bày. Trong chuỗi chương trình tưởng niệm 200 ngày mất của thi hào Nguyễn Du, có lẽ đây là buổi độc đáo và hàn lâm bậc nhất, vì dùng đến một mơ tưởng đậm tính lý luận của phương Tây để đi vào Truyện Kiều.
“Một mơ tưởng nguyên tố” (an elemental reverie) là một lý thuyết được triết gia Gaston Bachelard (1884-1962) phát triển đạt thành tựu và có ảnh hưởng sâu rộng. Ông dùng 4 nguyên tố gốc là đất, khí, lửa và nước để cắt nghĩa lại sự tương giao và tương chiếu trong “môi trường sống” của văn chương, văn hóa, tư tưởng…
- Nguyễn Du bên ngoài 'Truyện Kiều' và phiên đấu giá đạt chuẩn quốc tế
- 'Trăm năm trong cõi…' - hiểu sao cho đúng 'Truyện Kiều'?
Nhật Chiêu thử dùng 4 nguyên tố này để đặt vào thủ pháp “thơ ca tương chiếu” mà đọc Truyện Kiều. Nhưng do giới hạn thời gian, ông sẽ tập trung vào nguyên tố nước, vì Truyện Kiều thể hiện đậm nét yếu tính nước của người Việt. Và thi ảnh nước thì rất huyền diệu ở ngôi nhà thơ ca của Nguyễn Du.
Gaston Bachelard cho rằng 4 nguyên tố này là nền tảng của không gian sống, mà trong đó ngôi nhà là nơi thân mật nhất của các không gian, bảo vệ người mơ mộng. Ngôi nhà là một cách để hiểu tâm hồn. Bachelard tin rằng ngôi nhà có cả sự thống nhất và phức tạp, có cả ký ức và trải nghiệm, những phẩm chất kinh nghiệm của ngôi nhà khá giống những gì ông tìm thấy trong thơ và văn xuôi. Hình ảnh thơ mộng, nổi bật trong ý thức của chúng ta như một sản phẩm trực tiếp của trái tim và tâm hồn. Chức năng chính của thơ là đưa chúng ta trở lại trạng thái mơ mộng, đó là điều mà lịch sử, tâm lý và địa lý không có khả năng để làm. Vì ngôi nhà mà Thúy Kiều bán mình chuộc cha, sau 15 năm lưu lạc, Thúy Kiều đã trở về được ngôi nhà ký ức của mình.
Trong buổi tọa đàm chủ đề Cái hồng nhan mới đây của Nhật Chiêu và Bùi Trân Phượng, họ đã thu hút rất đông người đến dự, khán phòng và hành lang chật như nêm, gần một nửa đành phải ra về, do không có chỗ đứng. Điều này cho thấy sức hút của Truyện Kiều vẫn còn, miễn là có một chủ đề lạ hoặc một cái nhìn mới.
Chắc tọa đàm Tiếng Kiều đồng vọng: Một mơ tưởng nguyên tố cũng không còn một chỗ ngồi, nhưng không khí chung sẽ khác, sẽ hàn lâm hơn. Bởi đây có lẽ là lần đầu tiên có một nhà nghiên cứu dùng “mơ tưởng nguyên tố” để đọc Truyện Kiều.
2. Buổi thảo luận Không phải băng, không phải bị thương: Một diễn giải không hoàn chỉnh về nỗi đau người phụ nữ trong “Truyện Kiều” và “Nỗi buồn chiến tranh” diễn ra lúc 19h ngày 1/7 tại Manzi Art Space (14 Phan Huy Ích, quận Ba Đình, Hà Nội), do 2 diễn giả trẻ Hà Trang và Quyên Nguyễn đảm trách.
Bằng cách khảo cứu 2 bản dịch tiếng Anh: Truyện Kiều của Huỳnh Sanh Thông và Nỗi buồn chiến tranh của nhóm Frank Palmos, Hà Trang sẽ trình bày về cảnh ngộ của người phụ nữ trong một xã hội còn nặng nam quyền. 2 nhân vật Kiều và Phương vẫn phải chịu những đè nén, mặc cho xã hội đã có những chuyển biến căn bản về giới và nữ quyền. Buổi trò chuyện cũng sẽ đề cập đến chất lượng và hiệu quả của 2 bản dịch.
Cũng xin nói thêm, bản dịch Truyện Kiều của Huỳnh Sanh Thông từng được trao giải thưởng danh giá MacArthur Fellowship (Mỹ), còn gọi là giải Genius Grant (Thiên tài) năm 1987. Trong 5 người gốc Việt từng đoạt giải Thiên tài của Mỹ, Huỳnh Sanh Thông là đầu tiên, gần đây thì có nhà văn Viet Thanh Nguyen (Nguyễn Thanh Việt, 2017) và nhà thơ Ocean Vuong (Vương Quốc Vinh, 2019). Với khoảng 70 bản dịch trong hơn 20 ngôn ngữ, ít có bản dịch Truyện Kiều nào ra đời sau mà không tham khảo bản của Huỳnh Sanh Thông.
Riêng bản dịch Nỗi buồn chiến tranh của Frank Palmos và các cộng sự thì đã có những nghiên cứu cho thấy dường như đôi chỗ dịch giả lướt qua, thậm chí phóng tác, nên “đi hơi xa” nguyên tác. Thế nhưng, vì sự ảnh hưởng rộng rãi của tiếng Anh, trong gần 20 thứ tiếng đã dịch, nhiều bản vẫn phải tham khảo bản của nhóm Frank Palmos.
Văn Bảy