Hà Nội vs HAGL: Đá để dân thương…
Trận đấu giữa Hà Nội FC cùng HAGL đã tạo nên “cơn sốt” thật sự cho người hâm mộ. Từ đó, để thấy rằng “đá cho dân thương” là một giá trị của V-League.
Theo ghi nhận của TT&VH, một kỷ lục về vé xem trận đấu ở V-League đã xuất hiện: CLB Hà Nội đã mở bán vé trực tuyến từ 10 giờ ngày 9/8 trên trang web chính thức và độ “hot” của trận đấu đã được kiểm chứng khi chỉ sau 24 tiếng, toàn bộ 6.500 vé + 2.000 vé được bán bổ sung sang hình thức trực tuyến đã “Sold out” (bán hết, bán sạch). Cơn sốt vé từ trận đấu tâm điểm cũng là nguyên nhân vì sao hiện tượng phe vé bắt đầu xảy ra.
Nhưng đến khi vé được “Sold out”, giá vé đã bị đôn lên đến 1 triệu đồng (giá gốc dao động từ 50-60-80-100.000 đồng). Người hâm mộ chân chính cũng phải toát mồ hôi mới có được, nhiều người phải trả cái giá quá đắt. Nhưng vì sao lại xảy ra hiện tượng trên? Câu trả lời cũng dễ hiểu khi hội tụ 2 tên Hà Nội FC cùng HAGL ở thời điểm này.
Ngoài duyên nợ giữa bầu Hiển và bầu Đức, những màn đấu lực, đấu trí giữa Hà Nội FC và HAGL còn là sự khẳng định của những tên tuổi hàng đầu của bóng đá Việt Nam. Ở đó, hội ngộ 2 quan điểm làm bóng đá, của cả sự yêu mến “quốc dân” HAGL hay tình yêu “màu tím” Hà Nội FC đã dần sâu đậm.
Vài năm qua, Hà Nội FC cùng HAGL luôn đóng góp nhiều cầu thủ cho U23 và ĐTQG. Nếu HAGL đã là thương hiệu lớn, có sức hút đặc biệt đối với khán giả từ nhiều năm nay thì dần dần Hà Nội FC đã có được điều tương tự. Hơn thế, lúc này khi cả 2 đang là những ứng cử viên nặng ký nhất của chức vô địch, Hà Nội nhất bảng, HAGL đang níu ngay phía sau.
Người hâm mộ đội bóng “áo tím” đang sống trong những ngày vui vẻ vì đội bóng “con cưng” đang dẫn đầu V-League. Tự thân CLB biết phải làm gì để tình yêu của khán giả luôn đậm đà như vậy. Khát khao đó của Hà Nội FC đã trở thành hiện thực khi thời gian gần đây đội bóng đã hít thở bầu không khí ngày hội bóng đá trên sân Hàng Đẫy. Dĩ nhiên, niềm vui, tình yêu đó có dài lâu hay không không phụ thuộc vào những cố gắng, tận huyết của Hà Nội FC.
Còn với bầu Đức, ông nhiều lần nói rằng, ông không cần phải vô địch bằng mọi giá. Thực tế, nhiều năm qua, ngay cả khi đội bóng phố Núi sa sút thì đi đến đâu, các sân mà họ có mặt đều được hưởng lợi. Rất đông khán giả đã đến sân theo dõi những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh ngay cả trong buổi tập đến thi đấu. Triết lý của bầu Đức thật đáng lưu tâm, trong bối cảnh giải chuyên nghiệp đã 22 mùa nhưng luôn trong tình trạng các khán đài nguội lạnh “thượng đế”.
Vậy nên, câu chuyện làm sao để khán giả trở lại, hâm nóng các khán đài và giữ chân khán giả đâu chỉ riêng của Hà Nội FC hay HAGL. Đó là nhiệm vụ của tất cả các bên liên quan đến bóng đá nước nhà. Chảo lửa Thiên Trường sục sôi, Lach Tray bỏng rát, thành Vinh nhuộm vàng hay Hòa Xuân rực rỡ sắc cam. Những nhà quản lý, điều hành, mỗi CLB và các cầu thủ phải biết tự hào, nâng niu, gìn giữ và phát huy những hình ảnh đó.
Trong sơ đồ phát triển của một nền bóng đá mà FIFA và Liên đoàn bóng đá châu Á đưa ra, khán giả cùng truyền thông là hai “tiền đạo”. Nói thế để thấy tầm quan trọng của khán giả lớn đến mức nào. Nói cách khác, không kéo được khán giả đến sân thì bóng đá chỉ là vô nghĩa, sẽ chết!
Để giữ khán giả ở lại lâu hơn thì chính bản thân các đội bóng phải hướng đến thứ bóng đá sạch, đẹp, mỗi đội đều phải xây dựng bản sắc để đáp lại niềm tin yêu ấy. Đấy mới là cái đích cho sự phát triển bền vững của bóng đá nước nhà.
Trần Tuấn