Hà Nội với chiến lược sản xuất, tiêu dùng sạch và bền vững
(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội đang đặt ra mục tiêu, thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm đảm bảo phát triển nhanh, hiệu quả. Thành phố sẽ triển khai một cách đồng bộ, tập trung vào các hành động có tính đột phá, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thành phố sẽ đẩy mạnh liên kết trong các khâu của vòng đời sản phẩm; ứng dụng đổi mới trang thiết bị công nghệ, quy trình quản lý; hình thành mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường; đồng thời thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng và thải bỏ sản phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu tái sử dụng và tái chế chất thải.
Cụ thể, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ đóng góp của các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, tái chế chất thải trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt từ 42% đến 45%; khoảng 50% số doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch và tiết kiệm năng lượng. Giảm tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các siêu thị, trung tâm thương mại từ 50% tới 60%. Tỷ lệ doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện môi trường đạt 60% - 70%. Phấn đấu 100% các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.
Để đạt được những mục tiêu trên, Hà Nội đang xây dựng chiến lược cũng như các kế hoạch cụ thể để giao cho các cấp, ban, ngành phối hợp và quyết liệt thực hiện. Đặc biệt, thành phố chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất, tiêu dùng bền vững, hiểu biết về sản phẩm thay thế nhựa và túi ni lông. Tập huấn cho doanh nghiệp về hoạt động sản xuất, tiêu dùng, triển khai mô hình kinh doanh xanh, kết nối lĩnh vực phân phối, dịch vụ bền vững.
Thành phố sẽ đánh giá tiềm năng thị trường, khả năng cung ứng, phân phối các sản phẩm thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp; đánh giá cơ hội cạnh tranh, tham gia vào mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững toàn cầu đối với ngành công nghiệp hỗ trợ có sản phẩm tham gia xuất khẩu. Thành phố xây dựng dữ liệu về mạng lưới sản xuất, hướng dẫn mô hình “điểm kinh doanh xanh”. Xây dựng mạng lưới liên kết giữa các nhà sản xuất – nhà phân phối trong các ngành có sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn. Áp dụng phương thức tiếp cận vòng đời sản phẩm trong việc thúc đẩy các hoạt động đổi mới, sáng tạo tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật đổi mơi sinh thái trong doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
Thành phố thực hiện giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải, bằng việc tiến hành điều tra, khảo sát thu nhập về số liệu hiện trạng sử dụng nhựa và túi ni lông và nhu cầu sử dụng sản phẩm tái chế thay thế nhựa và túi ni lông. Thành phố sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp thực hiện mô hình thực hành giảm thiểu tái chế trong sản xuất công nghiệp, trong kinh doanh thương mại và trong các ngành dịch vụ.
Thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận huyện, thị xã thực hiện lồng ghép và nội dung của các đề án, chương trình, kế hoạch hiện có như: quản lý phát triển hoạt động Logistic; phát triển thương mại điện tử giai đoạn cùng các đề án, chương trình như: Đề án thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành; Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm; Kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp…
Nguyễn Văn Cảnh