Hà Nội, vị thế 'Thành phố vì hòa bình'
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2019, cụm từ “Thành phố vì hòa bình” được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết ở Hà Nội. Dễ hiểu, bởi chúng ta vừa kỉ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu này từ UNESCO và xa hơn, vừa có những cơ hội đặc biệt để khẳng định rằng cụm từ ấy không chỉ là danh xưng, mà còn là tuyên ngôn và lý tưởng sống của Hà Nội.
Và cũng cần nhắc lại, trong 20 năm qua, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu cao quý này. Lộ trình để đến với danh hiệu ấy là một câu chuyện dài.
Hành trình đặc biệt
Ra đời từ năm 1997, danh hiệu đặc biệt này được UNESCO xét tặng hai năm một lần, mỗi lần dành cho năm thành phố của năm khu vực (châu Á - Thái Bình Dương; châu Phi; Trung Đông - Arab; châu Mỹ Latin - Caribbean và châu Âu). Thành phố được tôn vinh phải đảm bảo các tiêu chí như: Có hoạt động mẫu mực trong phát triển văn hóa giáo dục; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, các vấn đề về đô thị hóa và xử lý môi trường sinh thái; thúc đẩy đoàn kết xã hội và chống phân biệt đối xử.
Như lời kể của những người trong cuộc, vào năm 1998, khi nhận được thông báo về giải thưởng này, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã đề xuất lãnh đạo Hà Nội nên xây dựng hồ sơ để ứng cử. Ở giai đoạn ấy, Việt Nam đang có những bước đi đột phá trên lĩnh vực hội nhập cùng thế giới và khu vực. Tuy nhiên, những hạn chế mà lịch sử để lại vẫn khiến Thủ đô Hà Nội còn đang đứng trước nhiều khó khăn cần giải quyết.
Đặc biệt, trong thời điểm đó, số lượng các thành phố tham gia ứng cử cho danh hiệu này cũng rất đông, với 70 hồ sơ. Riêng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoài Việt Nam, có 9 ứng cử viên khác là những thành phố thuộc Hàn Quốc, Ấn Độ, Nepal, Philippines, Australia, New Zealand, Sri Lanka, Kazakhstan, Kyrgyzstan. Có nghĩa, để được vinh danh, Hà Nội phải vượt qua toàn bộ những cái tên này.
Theo lời ông Trịnh Đức Dụ, nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại UNESCO khi đó, dù thấy trước những khó khăn này, thành phố Hà Nội vẫn rất quyết tâm xây dựng hồ sơ để trình lên UNESCO. Bởi, tất cả đều hiểu: Trong giai đoạn hội nhập đó, sự công nhận từ quốc tế sẽ là một cú hích vô cùng quan trọng với lộ trình phát triển của thành phố.
Hồ sơ trình lên UNESCO được xây dựng dựa trên những thông tin về khát vọng hòa bình của Hà Nội - vốn là yếu tố xuyên suốt trong những cuộc chiến tranh vệ quốc, bảo vệ chủ quyền. Ngoài ra, đó còn là truyền thống ngàn năm văn hiến, cũng như những cố gắng đặc biệt của Hà Nội trong công cuộc phát triển sau chiến tranh. Bên cạnh hồ sơ, những câu chuyện như vậy cũng thường xuyên được Hà Nội chia sẻ với các phái đoàn chuyên gia của UNESCO, cũng như các đại sứ nước ngoài tại thành phố trong quá trình đi tìm sự ủng hộ.
Để rồi, một kết quả tuy bất ngờ nhưng cũng rất hợp lý đã đến sau chặng đường cuối cùng: ngày 16/7/1999, tại La Paz, thủ đô của Bolivia, danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” đã được UNESCO trao cho Hà Nội.
Nối dài giấc mơ “Thăng Long phi chiến địa”
20 năm sau, Hà Nội đã ở một bối cảnh và vị thế rất khác, so với thời điểm được UNESCO tôn vinh. Đó là một thành phố đã mở rộng diện tích lên hơn 3.000 km2, có thêm 6 danh hiệu Di sản Thế giới công nhận và ngày càng cho thấy sức hút của mình trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa.
Thế nhưng, trong sự thay đổi ấy, cảm hứng từ danh xưng “thành phố vì hòa bình” dường như vẫn vẹn nguyên và càng lan tỏa mạnh, với những hoạt động kỉ niệm cột mốc đặc biệt này.
Giữa tháng 7/2019, rất nhiều chương trình do thành phố tổ chức được gắn với sự kiện này: Triển lãm ảnh Người Hà Nội thanh lịch văn minh, triển lãm ảnh Nhật ký hòa bình tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, cuộc thi tìm kiếm Đại sứ hữu nghị vì hòa bình 2019, liên hoan giai điệu hữu nghị với chủ đề Âm vang thành phố hòa bình, hội sách Hà Nội 2019 với chủ đề Hà Nội - Thành phố vì hòa bình… cùng hàng loạt chương trình khác.
Đặc biệt, ngày 13/7, lễ kỉ niệm chính thức của Hà Nội được tổ chức tại Hồ Gươm với nghi thức thả chim bồ câu và sự kiện đi bộ vì hòa bình của hơn 10.000 đại biểu, nghệ sĩ và người dân Hà Nội. Cũng trong ngày hôm đó, tại cuộc hội thảo “Hà Nội - thành phố vì hòa bình: 20 năm hội nhập và phát triển”, nhiều chuyên gia đã có dịp chia sẻ những cảm nhận của mình về quãng đường đặc biệt.
Ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhắc lại một sự kiện đặc biệt: Chỉ vài tháng trước đó, Hà Nội đã được chọn làm địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai với các nội dung bàn thảo liên quan đến chấm dứt xung đột và hòa bình.Cũng trong chuỗi ngày ấy, khi trở thành tâm điểm của thế giới, Hà Nội đã để lại ấn tượng đặc biệt với báo giới và bạn bè quốc tế về sự chu đáo, hiếu khách của một thành phố ngàn năm tuổi.
“Đó là một biểu hiện sinh động và ý nghĩa về danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” đã đồng hành cùng Hà Nội trong 20 năm qua. Và sự lựa chọn này cũng gắn với đánh giá thú vị của một số nhà nghiên cứu trên thế giới” - ông Dũng nói - “Họ cho rằng, Hà Nội là minh chứng cho một nguyên lý đặc biệt: Di sản của chiến tranh sẽ là nguồn cảm hứng của hòa bình”.
Còn nhà sử học Dương Trung Quốc thì nhắc đến một thực tế: Hầu như ở tất cả các cuộc chiến tranh vệ quốc của Việt Nam, Thăng Long - Hà Nội luôn là một chiến trường vô cùng khốc liệt. Gần nhất, trong thế kỷ 20, chuỗi 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô (năm 1946) và những ngày chiến thắng máy bay B52 (năm 1972) chính là những thời điểm Hà Nội phải hứng chịu những tổn thất vô cùng to lớn mà chiến tranh mang lại. Vậy nhưng, từ bao thế kỷ, câu thành ngữ “Thăng Long phi chiến địa” vẫn được truyền tụng, như một ước muốn ngàn đời của người Thủ đô.
“Chiến tranh mang lại cho chúng ta những bài học về hòa bình. Và Hà Nội sở dĩ được tôn vinh là thành phố vì hòa bình cũng bởi nó đã được thử lửa qua những cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm bảo vệ phẩm giá của con người, phẩm giá của một nền hòa bình bền vững mà toàn nhân loại đều ao ước” - ông Quốc nói - “Chúng ta hãy trân trọng điều ấy, để nối dài cho một ước mơ, và cũng là một hiện thực của Hà Nội”.
Chờ một “thành phố sáng tạo” của tương lai Tiếp nối ý tưởng về “Thành phố vì hòa bình”, từ năm 2004, UNESCO đã thành lập mạng lưới các “thành phố sáng tạo”. Theo đó, các thành viên của mạng lưới này sẽ cùng nhau thực hiện một sứ mệnh đầy ý nghĩa: biến sáng tạo và công nghiệp văn hóa thành cốt lõi của kế hoạch phát triển, từ đó giúp cho các thành phố thành viên có môi trường phát triển bền vững và an toàn. 7 lĩnh vực được chọn để xây dựng Thành phố sáng tạo gồm: thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông và ẩm thực. Như chia sẻ từ Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và thành phố Hà Nội, vào cuối tháng 6 vừa qua, thành phố đã hoàn thiện và nộp hồ sơ đăng ký vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.Hồ sơ được xây dựng trên cơ sở khoa học, tổng hợp các giá trị, kết quả đạt được và hướng tới của thành phố về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, giáo dục… theo yêu cầu của UNESCO. UNESCO sẽ thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ Hà Nội trong kì họp vào tháng 11 tới tại Pháp. Nếu được công nhận để tham gia mạng lưới này, Hà Nội sẽ trở thành một trong những trung tâm hội tụ và lan tỏa của tri thức và sáng tạotoàn thế giới, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với khu vực và thế giới trong việc chia sẻ thành công, thúc đẩy sáng tạo và công nghiệp văn hóa, tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng vào đời sống văn hóa và quá trình hội nhập văn hóa... |
Các đề cử hạng mục Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội 2019 1.Nhóm kí họa đô thị Hà Nội với các hoạt động nhằm lưu giữ ký ức Hà Nội bằng tranh 2. Các hoạt động tích cực của TP Hà Nội và cả cộng đồng nhằm khẳng định vị thế và quảng bá hình ảnh Hà Nội“thành phố vì hòa bình” 3. Nỗ lực yêu cầu khôi phục tên gọi tòa nhà “Bưu điện Hà Nội” ở Hồ Hoàn Kiếm |
Lễ trao giải Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 12 - 2019 sẽ diễn ra từ 14h ngày thứ Ba, 27/8/2019 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Trong khuôn khổ Lễ trao giải sẽ có triển lãm các tác phẩm, tư liệu, hình ảnh... về các đề cử xuất sắc nhất của mùa giải năm nay. PV Gas là nhà tài trợ vàng của Giải thưởng năm nay.
|
Anh Bảo