Hà Nội: Tổ chức dạy học linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến, tránh gây áp lực cho học sinh
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/12, tại Kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, đã tổ chức thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Về vấn đề giáo dục, một số đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, trong đó nêu về việc nhiều phụ huynh còn băn khoăn về rà soát, kiểm tra các tiêu chí an toàn khi cho học sinh đi học trở lại; việc tổ chức dạy và học trực tuyến kéo dài đã nảy sinh nhiều bất cập về cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học, cần có sự giám sát.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, trong bối cảnh dịch COVID-19, việc tổ chức dạy và học trực tuyến kéo dài đã nảy sinh nhiều bất cập về cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học cũng như cần sự giám sát. Hiện nay, học sinh lớp 12 và lớp 9 ở một số địa phương đã được học trực tuyến kết hợp trực tiếp, nhưng trong tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp; Đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết phương án, giải pháp tổng thể về việc học trực tuyến kết hợp trực tiếp nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Trả lời các câu hỏi chất vấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, qua thời gian thí điểm đi học trực tiếp ở khối 9 và khối 12 trên địa bàn thành phố, đến nay đã có 64.000 học sinh khối lớp 9 và 12 đến trường đi học, đảm bảo chất lượng dạy và học an toàn.
- Cả nước có 407 quận, huyện, thị xã đang dạy học trực tuyến
- Học sinh TP. Hải Dương chuyển sang học trực tuyến do ca F0 trong trường học
Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định tổ chức kết hợp học trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, chú trọng tinh giản chương trình, tập trung vào nội dung cốt lõi; chủ động rà soát kết quả học trực tuyến và bổ sung kiến thức cần thiết, tránh gây áp lực quá tải với học sinh; quản lý chặt chẽ kỷ luật nền nếp học tập của học sinh, kiểm tra đánh giá chất lượng dạy học.
Về triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, sẽ có 10.000 học sinh được trang bị thiết bị học trực tuyến. Hiện thành phố đã trao được hơn 7.000 thiết bị học tập cho các em. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các nhà mạng đã lắp đặt mạng Internet tại hơn 100 thôn, làng, bản. Sở đang tiếp tục tập trung bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên để nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến.
Đối với việc đảm bảo an toàn cho học sinh quay lại trường học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đã phối hợp với Sở Y tế ban hành tiêu chí an toàn trường học để xác định rõ “an toàn trường học” là thế nào, trong đó có nhiều tiêu chí đối với nhà trường, với giáo viên, nhân viên, hình thức tổ chức dạy và học.
Khôi Nguyên