Hà Nội tập trung nguồn lực đưa huyện Hoài Đức thành quận
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/5, chủ trì làm việc với Huyện ủy Hoài Đức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Một trong những nội dung quan trọng của buổi làm việc là cùng bàn các giải pháp giúp huyện Hoài Đức thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa tiếp tục phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trước đây các quận tăng trưởng cao, thu ngân sách lớn, là cơ sở bảo đảm nguồn thu của thành phố, nhưng hiện nay đang chịu thiệt hại rất lớn do dịch COVID-19, dẫn đến nguồn thu giảm mạnh. Vì vậy, thành phố đặt yêu cầu các huyện phải nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, tăng nguồn thu để “chi viện” cho nội thành.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho biết, 4 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt trên 6.928 tỷ đồng, đạt 29,2% kế hoạch, bằng 92,4% cùng kỳ năm 2019. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 572 tỷ đồng, bằng 34,5% so với dự toán. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 28,6% kế hoạch. Đặc biệt, đến nay, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp, đến nay 100% chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở đã tổ chức xong đại hội, 33/44 tổ chức cơ sở Đảng tổ chức đại hội; Dự kiến cuối tháng 6, đầu tháng 7/2020 sẽ tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện Hoài Đức lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, huyện Hoài Đức đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, kịp thời, có hiệu quả với 4 kế hoạch, 3 phương án nhằm ứng phó với từng cấp độ dịch. Huyện ban hành 54 văn bản, chỉ đạo làm tốt công tác rà soát, lập danh sách và tổ chức cách ly, giám sát chặt chẽ các đối tượng, đến nay không phát sinh ca bệnh khác. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an sinh xã hội được triển khai tốt, các gia đình khó khăn, đối tượng chính sách, người già cô đơn được chi trả hỗ trợ kịp thời. Hiện huyện đang tiếp tục thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 07 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Thời gian tới, thực hiện nhiệm vụ "kép”, bên cạnh việc rà soát, cập nhật, hoàn thiện các phương án, kịch bản chống dịch, triển khai các yêu cầu về phòng chống dịch giai đoạn 3 “sống chung với dịch”, huyện Hoài Đức sẽ tập trung phát triển kinh tế với mục tiêu phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tập trung tái đàn lợn. Để bù đắp các khoản thu hụt, huyện sẽ tập trung đôn đốc các nguồn thu nợ thuế đất, nợ chậm nộp các dự án xây dựng cơ bản, tăng cường đấu giá quyền sử dụng đất, đồng thời thực hiện cải cách hành chính, cắt giảm và tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế...
Tại buổi làm việc, nhấn mạnh huyện Hoài Đức là huyện vùng ven đang trong quá trình đô thị hóa tăng nhanh với nhiều dự án hạ tầng, nhưng Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, huyện có phát triển chiều rộng nhưng chưa có chiều sâu. Nhiều dự án được triển khai và đưa vào vận hành nhưng chưa đem lại hiệu quả cao, chưa phát triển đúng tầm. Thời gian qua, huyện đã tập trung phát triển thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, qua đó tạo nhiều việc làm cho người lao động nhưng thu nhập của người dân chưa cao.
Do đó, để kinh tế, xã hội của huyện phát triển xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đề nghị, thời gian tới, huyện Hoài Đức cần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó xương sống là đường vành đai 3,5, cùng với đó là kết nối đồng bộ giao thông. Bên cạnh đó, huyện Hoài Đức cần tập trung quyết liệt xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, trước mắt là tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Về công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện Hoài Đức lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị huyện cần tính đến cơ cấu nữ, bởi trong Ban Thường vụ huyện hiện nay không có nữ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết cho rằng, huyện Hoài Đức có nhiều thuận lợi, từ vị trí đến hệ thống giao thông kết nối với trung tâm thành phố và các địa bàn khác. Đây là điều kiện để huyện phát triển, kinh tế, xã hội. Về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội lưu ý huyện cần phát huy tốt sự đoàn kết thống nhất của cấp ủy, bên cạnh đó là quan tâm giải quyết tốt vấn đề đơn thư, khiếu nại, giữ sự ổn định trước đại hội. Đặc biệt, trong quá trình đô thị hóa tăng nhanh, huyện cần quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý đất đai, nhất là đất nông nghiệp, trật tự xây dựng, kiên quyết không để sử dụng đất sai mục đích, vi phạm trật tự xây dựng.
Ngoài ra, nhấn mạnh vấn đề an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, môi trường ở các làng nghề trên địa bàn huyện còn tiềm ẩn phức tạp, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đề nghị huyện Hoài Đức cần phối hợp với sở, ngành thành phố để sớm có giải pháp giải quyết vấn đề này. Đồng quan điểm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế, xã hội toàn diện của huyện Hoài Đức. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội cũng được huyện rất quan tâm. Tuy nhiên, để phát huyện Hoài Đức phát triển thành quận văn minh, giàu đẹp, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đề nghị huyện cần tập trung xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá huyện Hoài Đức có vị trí địa lý tiếp giáp với các trục đường chính vào trung tâm thành phố và có quỹ đất rộng, đặc biệt huyện nằm trong vùng đất có có truyền thống văn hóa lâu đời, con người thông minh, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện Hoài Đức phát triển mạnh trong tương lai, phù hợp với định hướng đưa huyện trở thành một quận mới của Thủ đô. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã bám sát Nghị quyết hội Đảng bộ huyện Hoài Đức lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các chỉ đạo của Thành ủy, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, qua đó đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, trong kết quả chung của huyện vẫn chưa rõ những nổi trội, đột phá. Cơ cấu lao động chưa chuyển dịch nhanh, thu ngân sách còn thấp, cơ cấu thu chưa bền vững, chủ yếu vẫn thu từ đất. Đặc biệt, công tác xử lý các vụ việc phức tạp phát sinh chưa kịp thời, có vụ việc còn để lâu, kéo dài. Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý ô nhiễm môi trường còn nhiều hạn chế. Do đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Đức tiếp thu tối đa các ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ huyện Hoài Đức lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Chỉ đạo nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu Đảng bộ, chính quyền, trước hết là Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Đức phải thể hiện rõ quyết tâm chính trị thúc đẩy phát triển kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao, tăng thu ngân sách, để chia sẻ khó khăn với thành phố. Huyện cũng cần năng động sáng tạo hơn trong chỉ đạo, điều hành, qua đó hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài ra, bên cạnh việc phát triển kinh tế, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị huyện quan tâm đến các vấn đề giữ gìn, phát huy văn hóa bản địa, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, từ đó tạo sự đồng thuận, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Về nhân sự, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo huyện kiện toàn vị trí Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức nhiệm kỳ 2015 - 2020, trước Đại hội Đảng bộ huyện Hoài Đức lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành phố sẽ tạo lập cơ chế chung để tạo nguồn lực lớn cho các huyện trở thành quận, trong đó tạo lập cơ chế để huy động nguồn lực xã hội hóa. Nhân dịp này, thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội trao tặng 5.000 khẩu trang và 15 máy nhiệt kế hồng ngoại phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại các trường học trên địa bàn huyện.
Văn Cảnh - Nguyễn Thắng