Hà Nội tập trung các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội vừa ban hành Công điện số 04/CĐ-BCH về việc tập trung biện pháp giảm thiểu thiệt hại về người và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới.
Theo công điện, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và các hiện tượng thời tiết cực đoan, trên địa bàn thành phố, tình hình mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất đang có những diễn biến phức tạp; mực nước các hồ chính và sông nội địa đang ở mức cao (sông Tích tại Vĩnh Phúc và sông Bùi tại Yên Duyệt đều ở trên mức báo động II).
Theo tổng hợp từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, mưa lũ đã gây thiệt hại về sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân liên quan đến ngập lụt, sạt lở đất; đã có cả thiệt hại về người trong mưa lũ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ, trong ngày 2/8, khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cục bộ có nơi trên 200mm, nguy cơ tiếp tục xảy ra mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất là rất cao.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành tăng cường triển khai các biện pháp để phòng, chống như: tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 03/CĐ-BCH ngày 24/7/2024 của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới; văn bản số 78/BCH ngày 24/7/2024 về việc tăng cường kiểm tra, triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn thành phố; văn bản số 80/BCH ngày 24/7/2024 về việc đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La; văn bản số 92/BCH ngày 29/7/2024 về việc chủ động ứng phó với mưa lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Các địa phương, các ngành không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại trên hệ thống thông tin, mạng xã hội.
Các địa phương, các ngành rà soát, bổ sung lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn.
Địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cập nhật thường xuyên để thông tin đến chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thiên tai trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến thiên tai, sự cố, các thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố theo quy định.