Hà Nội tăng cường 2 cấp phó cho mỗi quận, huyện
Trên cơ sở đội ngũ cán bộ cũ, có thể Trung ương cho phép Hà Nội tăng cường thêm một Phó Bí thư và một Phó chủ tịch UBND cho các quận, huyện. Phó Bí thư có thể phụ trách cơ sở Đảng, Phó Chủ tịch có thể phụ trách đô thị.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo vừa cho biết thông tin trên khi trả lời phỏng vấn báo giới bên lề kỳ họp HĐND TP lần thứ 15, khoá XIII diễn ra sáng nay, 16/7.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao đổi với báo chí sáng 16/7 (Ảnh: Phương Liên) |
Thêm Phó Bí thư và Phó Chủ tịch cấp quận, huyện
* Đến thời điểm này, Hà Nội đã hoàn tất công tác chuẩn bị về nhân sự cho việc sáp nhập vào ngày 1/8 tới chưa, thưa ông?
Hà Nội đang chuẩn bị một kế hoạch về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đang làm việc với Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng CP duyệt.
* Vậy khi nào có quyết định về nhân sự mới của Hà Nội?
Theo Luật, kỳ họp HĐND thứ nhất sau sáp nhập sẽ quyết định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, thường trực các ban, sau đó là UBND gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các thành viên UBND.
* Bao giờ kỳ họp này sẽ diễn ra thưa ông?
Theo chỉ đạo là 1/8, khi Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực thì tiến hành họp.
* Hiện nay có những Sở lên đến hàng chục cấp Phó, sẽ bố trí thế nào?
Theo chủ trương chung hiện nay để ổn định bộ máy, đối với các sở, ban, ngành đương nhiên cấp Trưởng chỉ một, còn cấp Phó trước mắt ở đâu giữ nguyên hiện trạng. Trên cơ sở đó sẽ kiện toàn và sắp xếp lại sau.
Trên cơ sở đội ngũ cán bộ như thế, có thể Trung ương sẽ cho phép tăng cường thêm một Phó Bí thư và một Phó chủ tịch UBND cho các quận, huyện. Phó Bí thư có thể phụ trách cơ sở Đảng, Phó Chủ tịch có thể phụ trách đô thị.
* Liệu làm như vậy có chồng chéo chức năng không, thưa ông?
Tôi cho là không chồng chéo vì trong một sở có rất nhiều công việc, nhiều lĩnh vực thì có thể phân công cụ thể hơn, có đồng chí Phó có thể chỉ đảm trách một công việc, một lĩnh vực thôi.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, lãnh đạo Hà Nội và lãnh đạo Hà Tây đều có các cuộc tiếp xúc thường xuyên. Ngay chiều nay (16/7) UBND Hà Nội và UBND Hà Tây sẽ họp liên tịch bàn dự thảo nội dung kế hoạch kinh tế - xã hội 5 tháng còn lại của HN mới, để làm cơ sở chuẩn bị trình Thường vụ, BCH, cho kỳ họp thứ nhất của HĐND. Trong đó có bàn các chỉ tiêu kinh tế- xã hội các tháng cuối năm. |
Chống thất thoát tài sản khi sắp xếp trụ sở mới
* Việc sắp xếp bộ máy hành chính, trụ sở làm việc sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?
Mới đang chuẩn bị, mới tổng hợp, thống kê, trên cơ sở thống nhất về mặt nguyên tắc sau đó mới sắp xếp bố trí chứ chưa có gì cụ thể.
* Có thông tin một số trụ sở các ngành chuyển về Hà Tây, cụ thể là tới 1/3 trụ sở...?
Trên cơ sở công sở của cả Hà Nội và Hà Tây hiện có, chủ trương là sắp xếp làm sao cho hợp lý, giảm thiểu tối đa xáo trộn lớn. Sẽ có một bài toán tính toán hoán vị làm sao để một số sở trên này, một số sở dưới kia, vì sở chỉ đóng ở một nơi chứ không đóng hai nơi được.
Trên này (nội đô Hà Nội - pv) chủ yếu là trung tâm lãnh đạo đầu não chính trị của TP cộng với cơ quan tổng hợp tham mưu sát thực với Bộ máy lãnh đạo, còn lại các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng khác thì sẽ bố trí có thể xuống Hà Tây.
Các nơi tiếp dân hoặc làm các hoạt động dân sự thì phải nghiên cứu rất kỹ để bố trí, có thể đặt ở một vài nơi để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động dân sự hiện nay của cả Hà Nội và Hà Tây.
* Có tình trạng quá tải về trụ sở nào đó không ví dụ như Sở Nông nghiệp tất cả đều ngồi vào sở ở Hà Tây sẽ bị chật?
Không nhất thiết phải ngồi ở Sở Nông nghiệp của Hà Tây, còn có những cơ sở khác rộng rãi hơn có thể bố trí để thuận tiện cả về người và trang thiết bị.
Một chủ trương nữa trong việc sắp xếp trụ sở là chống hai khuynh hướng: thất thoát tài sản và tránh mua sắm. Tức là tận dụng tối đa tất cả hiện có.
* Diện tích sắp xếp xong mà dôi ra có đấu giá không thưa ông?
Cái đấy tính sau.
Theo VTCnews