Hà Nội: Ngày 6 và 7/9, chưa xử phạt người chưa có giấy đi đường theo quy định mới
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 5/9, tại cuộc họp Giao ban Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, biện pháp cấp giấy đi đường là vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ, vì vậy cần nghiên cứu để ngày càng hoàn thiện và hợp lý hơn.
Quan điểm và mục tiêu của thành phố là mong muốn giảm thực chất lượng người ra đường, tập trung đông nơi công cộng, để đẩy nhanh thời gian dập tắt nguồn dịch lây lan rộng trong cộng đồng thời gian gần đây. Hiện nay, dịch đang hết sức phức tạp, việc quản lý người ra đường là cần thiết và cấp bách.
Tuy nhiên, quan điểm của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là làm quyết liệt, khẩn trương nhưng không quá cầu toàn.
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, để chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp Giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong hai ngày 6 và 7/9, các lực lượng chức năng của Thành phố chủ yếu chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.
Khi vận hành các chốt, vùng 1, 2, 3, Thành phố sẽ tiến hành một cách linh hoạt, chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở, đồng thời từ thực tế việc lưu thông của người dân theo giấy đi đường mới sẽ đánh giá, phân tích để đưa ra biện pháp tối ưu. Thành phố tiếp tục lắng nghe, điều chỉnh kịp thời những tồn tại bất cập một cách hợp lý nhất.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày đầu thực hiện việc cấp giấy đi đường mới cho những đối tượng phải đăng ký lại như doanh nghiệp hàng thiết yếu, đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch, các cá nhân tổ chức thực hiện những nhiệm vụ cấp bách tại các điểm công an quận huyện, phường xã cho thấy bước đầu đã đi vào ổn định, bởi nhiều người được giải thích tuyên truyền các trình tự thủ tục.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, người dân, doanh nghiệp có thể tiếp tục liên hệ Tổng đài số 024.1022 - Nhánh 4 để được hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc nếu có.
Đại diện Công an thành phố Hà Nội cho biết để phục vụ tối đa việc hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục đăng ký giấy đi đường theo Quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường, thẻ đi mua hàng thiết yếu tại Vùng 1 (phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19), ngoài số điện thoại đường dây nóng đang sử dụng là 069.219.4299, Công an thành phố cung cấp thêm 2 số điện thoại đường dây nóng sau: 069.219. 4295 và 069.219.4296.
Trước đó, sáng 5/9 Công an TP. Hà Nội đã ra Thông báo về quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường, thẻ đi mua hàng thiết yếu tại Vùng 1 theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Nhóm 1: Các cơ quan, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao, quốc tế. Đối tượng là cán bộ, công chức, công vụ làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính quyền, MTTQ, đoàn thể, chính trị xã hội đóng trên địa bàn Thành phố (bao gồm cả các cơ quan trực thuộc và tương đương); Cán bộ, người lao động làm việc tại các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế. Thẩm quyền cấp giấy đi đường do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhóm 2: Là các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu. Đối tượng là cán bộ, công chức, công vụ, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu. Thẩm quyền cấp giấy đi đường: Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố.
Nhóm 3: Các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện, tham gia công tác phòng chống dịch. Đối tượng là cán bộ, công chức, công vụ, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện tham gia công tác phòng chống dịch. Thẩm quyền cấp giấy đi đường: Do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhóm 4: Các cơ quan báo chí, truyền thông. Đối tượng là cán bộ, người lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, truyền thông. Thẩm quyền cấp giấy đi đường do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhóm 5: Đối với các trường hợp cá nhân có nhu cầu lưu thông trên đường: Cá nhân đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn duyệt, cấp thẻ mua hàng thiết yếu theo đúng đối tượng quy định.Cá nhân đi thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc (cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ; đi tiêm vaccine và xét nghiệm COVID-19; người chăm sóc người bệnh và người xuất viện về): Không áp dụng giấy đi đường, cá nhân chỉ cần mang theo giấy tờ chứng minh kèm theo CCCD (CMTND).
- TP HCM xử lý linh hoạt cho người chưa kịp làm giấy đi đường mẫu mới
- Hà Nội xử lý nghiêm người dùng giấy đi đường giả qua chốt kiểm soát dịch Covid-19
- Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 qua kiểm soát giấy đi đường
Cá nhân đi sân bay theo vé; cá nhân đi đến các cơ quan ngoại giao theo giấy hẹn của cơ quan ngoại giao; cá nhân đến Tòa án theo giấy triệu tập của Tòa án: Không áp dụng Giấy đi đường, cá nhân chỉ cần mang theo Giấy tờ chứng minh kèm theo CCCD (CMTND) và Giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ.
Nhóm 6: Các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu. Đối tượng là các cá nhân, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu. Thẩm quyền cấp Giấy đi đường: Công an xã, phường, thị trấn.
HN