Hà Nội: Lung linh sắc màu áo dài đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 9/4, hơn 600 bộ áo dài đa dạng về phong cách, kiểu dáng, sắc màu cùng hội tụ, khoe vẻ đẹp tại không gian văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong sự kiện “Áo dài của chúng ta” do Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long - Tạp chí Tinh Hoa Đất Việt tổ chức, nhằm tôn vinh giá trị, vẻ đẹp áo dài truyền thống và vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam.
Tới dự có Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và đại diện các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.
Trên nền sân khấu độc đáo được thiết kế bằng những chậu cây gai xanh mướt và những nong kén tằm trắng phau, lung linh bởi những đèn giấy trang trí, các người mẫu chuyên nghiệp và không chuyên đã trình diễn những bộ sưu tập áo dài duyên dáng.
15 bộ sưu tập áo dài của 15 nhà thiết kế trong cả nước, không chỉ tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc, các mẫu thiết kế còn thể hiện sự giao lưu văn hóa khi khai thác họa tiết từ nét đẹp văn hóa truyền thống của 15 quốc gia trên thế giới.
Công chúng được thưởng lãm những bộ sưu tập áo dài đậm chất Việt Nam của nhà thiết kế Huệ Thi, bộ sưu tập chuyển tải nền văn hóa nước Nga vĩ đại của nhà thiết kế Minh Hạnh, bộ sưu tập với những câu chuyện thần thoại đất nước Hy Lạp của nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy, bộ sưu tập thể hiện sự sâu lắng kiến trúc Nhật Bản của nhà thiết kế Hà Duy, bộ sưu tập mang phong cách Hàn Quốc thông qua những bộ Hanbok của nhà thiết kế Trần Thiện Khánh...
Nhà thiết kế Minh Hạnh, Tổng đạo diễn chương trình bày tỏ, đối với các nhà thiết kế trẻ, đây là một chủ đề cực kỳ khó, đòi hỏi thiết kế những bộ trang phục linh hoạt hơn, sống động hơn, thực tế hơn. "Thế giới trong áo dài Việt" là một cột mốc rất quan trọng trong hành trình di sản Việt Nam.
Ngày hôm nay, chúng ta có thể "chạm" được truyền thống qua những bộ sưu tập áo dài, với những chất liệu đặc biệt, thân thiện, hi vọng áo dài được lan toả rộng rãi, vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, được mọi người trên thế giới đón nhận một cách ưu ái nhất.
Chương trình “Áo dài của chúng ta” cũng quy tụ hơn 400 diễn viên, trong đó có phu nhân các đại sứ Italia, Ấn Độ, Lào, Belarus..., cùng các nghệ sĩ như: Nghệ sỹ Nhân dân Trà Giang, Nghệ sỹ Nhân dân Lan Hương, Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Cúc, Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hà, Nghệ sỹ Nhân dân Minh Hòa, Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Tú.
Phu nhân các đại sứ nở nụ cười rạng rỡ, ánh mắt tự hào sải bước cùng chiếc áo dài Việt Nam, với các hoạ tiết toát lên vẻ đẹp văn hoá của quốc gia mình. Trên sàn diễn còn là sự kết hợp giữa các thế hệ, song song với người mẫu là các em nhỏ với những màn trình diễn múa, đánh đàn, đánh trống... vô cùng hấp dẫn.
- Ngắm Ninh Dương Lan Ngọc diện từ áo dài đến...áo tắm
- Ấn tượng áo dài Việt Nam với nữ nhiếp ảnh gia Nga
- 'Tuần lễ áo dài Việt Nam' năm 2021: Phát huy di sản văn hóa áo dài trong mỗi phụ nữ Việt
Không chỉ vậy, các bộ sưu tập áo dài trở nên sống động hơn bên cạnh những động tác biểu diễn của các nghệ sỹ gạo cội. Những tràng pháo tay hưởng ứng, ánh mắt trầm trồ, tự hào bản sắc trên khuôn mặt người xem càng khiến cho các nghệ sỹ trình diễn thăng hoa.
Công chúng như thả hồn với những giai điệu truyền thống, chìm đắm trong vẻ đẹp những chiếc áo dài mềm mại. Một không gian tràn ngập ánh sáng và âm nhạc, vẻ đẹp truyền thống hiện hữu, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
Tất cả các bộ sưu tập đều được thực hiện từ bằng chất liệu truyền thống Việt Nam như lụa Vietnam Silk House và vải gai AP, một chất liệu truyền thống bị lãng quên nhiều năm đã được sống lại. Không chỉ ở hình thức mà còn từ nguyên liệu, áo dài in đậm dấu ấn dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam.
Áo dài là trang phục truyền thống Việt Nam từ bao đời nay. Trải qua những thăng trầm trong lịch sử văn hóa người Việt, áo dài đang trên hành trình tự khẳng định mình với tư cách là di sản văn hóa. Thông qua những bộ sưu tập áo dài, các nhà thiết kế mong muốn áo dài Việt Nam sẽ vươn xa hơn nữa, khẳng định vị trí trong nền văn minh nhân loại.
Kim Thu