Hà Nội kiểm tra thông tin san lấp di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 17/7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, cơ quan này vừa đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND xã Kim Chung khẩn trương kiểm tra hiện trạng di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối trước thông tin phản ánh về tình trạng san ủi, đổ phế thải tại đây.
- Lộ diện di chỉ tiền sử cực kỳ độc đáo ở Hà Giang
- Phát hiện nhiều hiện vật quý tại di chỉ lò gốm gò Chàm - Bình Định
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đề nghị giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình ở các khu vực liên quan đến di chỉ, báo cáo gửi về Sở trước ngày 22/7 để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.
Đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội căn cứ vào văn bản của UBND thành phố Hà Nội ban hành trước đó về việc bảo tồn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức. Trong đó, UBND thành phố giao UBND huyện Hoài Đức chủ động phối hợp với Ban quản lý dự án Thăng Long 9, Tổng Công ty cổ phần Thương mại - Xây dựng Việt Nam trong việc bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng di chỉ Vườn Chuối như hiện nay; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình ở các khu vực liên quan đến di chỉ.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, mặc dù thừa nhận đã nhận được văn bản đề nghị trên của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, song Lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoài Đức cho biết không nắm được thông tin về vụ việc do các cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Giá trị Di sản Văn hóa cho biết: Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối có niên đại 3.500 năm đang bị san lấp phế thải. Ngành văn hóa vừa tổ chức hội thảo với sự tham gia của chính quyền huyện, xã, song không ai nắm cụ thể diễn biến hàng ngày ở công trường.
Ông Nguyễn Phú Cường, một người dân thôn Lai Xá, xã Kim Chung thường làm vườn tại khu vực này cho biết: Việc san lấp phế thải bắt đầu từ trước Tết Nguyên đán, hiện đã lấp khoảng 2.000 m2, phủ kín các hố khảo cổ. Ông Nguyễn Phú Cường đã từng kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng không ai có ý kiến. "Di sản của cả dân tộc mà bị vùi dưới các lớp phế thải", ông Cường xót xa và đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương bảo tồn. "Hiện chủ đầu tư chưa tiến hành xây dựng còn có thể bảo tồn, chứ khi họ xây bê tông lên thì rất khó", ông Cường nói.
Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối có tổng diện tích 19.000 m2, được phát hiện năm 1969, là di tích có quy mô lớn nhất và quan trọng nhất thuộc phức hệ các di tích Tiền Đông Sơn và Đông Sơn. Dù đã qua 8 lần khai quật nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa có phương án bảo tồn. Đáng nói, năm 2007, khu vực di chỉ này được giao cho Tổng Công ty cổ phần Thương mại - Xây dựng Việt Nam xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch. Sau khi các nhà khoa học lên tiếng, UBND thành phố Hà Nội giao UBND huyện Hoài Đức phối hợp cùng chủ đầu tư giữ nguyên hiện trạng, tìm phương án bảo tồn phù hợp.