Hà Nội kết nối, giao thương tiêu thụ sản phẩm OCOP với các tỉnh miền núi phía Bắc
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 24/7, đông đảo các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các doanh nghiệp của 15 tỉnh thành phố phía Bắc tham dự hội thảo “Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) thành phố Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc” do Ban chỉ đạo Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết, hội thảo được tổ chức với mục đích kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Vì vậy, cách làm của Hà Nội khác các tỉnh thành phố khác ở 3 góc độ. Thứ nhất, Hà Nội đẩy mạnh truyền thông để mọi người biết được nhóm sản phẩm này ở đâu, chủ thể ra sao, minh bạch sản phẩm thế nào, thị trường đang tiêu thụ ra sao để từ đó tạo cơ hội quảng bá sản phẩm. Thứ hai, tổ chức các sự kiện kết nối, giao thương tiêu thụ các sản phẩm OCOP nhằm trao đổi chia sẻ giữa các chủ thể sản xuất với người tiêu dùng và với hệ thống phân phối và các nhà phân phối.
Thứ ba, sản phẩm OCOP là sản phẩm của cộng đồng, của các tỉnh thành, của các chủ thể với nhau, do đó, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến hình ảnh cộng đồng OCOP của Việt Nam. Vì vậy, việc đẩy mạnh phối kết hợp các địa phương để tạo ra các sản phẩm tốt nhất phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô và hướng tới xuất khẩu là việc đang được Hà Nội đẩy mạnh triển khai.
Với dân số trên 10 triệu người, Hà Nội là địa phương tiêu thụ nông sản hàng hóa khổng lồ của khu vực phía Bắc. Do đó, cách nhìn của Hà Nội đối với chủ thể sản phẩm OCOP cũng có sự khác biệt. Theo đó, các chủ thể sản phẩm OCOP sẽ được hưởng lợi nhiều so với các chủ thể không tham gia Chương trình.
Đó là các sản phẩm được công nhận OCOP phải đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hay đẩy mạnh chế biến sâu tại địa phương. Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, sản xuất phải ở nông thôn, nhưng tiêu dùng phải ở thành phố.
Đại diện các Hợp tác xã, chủ thể sản phẩm OCOP tham dự Hội nghị cho hay, việc đưa được nhiều sản phẩm đến với người tiêu dùng Thủ đô là điều quan trọng nhất. Để làm được việc này, công tác xúc tiến thương mại phải thật tốt, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định hàng đầu. Tuy nhiên, để trở thành hiện thực cần sự phối hợp của cả hai phía chủ thể OCOP và các doanh nghiệp phân phối.
Đến nay, đã có 109 ký kết giao thương giữa Hà Nội với các địa phương trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP tại địa bàn Thủ đô. Các địa phương cũng đưa ra cam kết mạnh mẽ để có thể đưa nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, bán hàng online... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, đến tham dự Hội nghị kết nối giao thương còn có rất nhiều các hệ thống siêu thị lớn như Coop Mart, Aeon Mart. Trước đó, danh sách các sản phẩm của các chủ thể OCOP cũng đã được đưa đến các hệ thống siêu thị này để họ có thể lựa chọn được đa dạng các hàng hóa đưa vào kênh phân phối của siêu thị.
Bà Hậu cho hay, để sản phẩm OCOP vào được các siêu thị, kênh phân phối hiện đại thì cần đảm bảo các giấy tờ đầy đủ. Tuy nhiên, có một thực tế, mặc dù các đơn vị đã được cấp chứng nhận về OCOP nhưng khi các siêu thị hỏi đến giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, giấy kiểm nghiệm thì hầu như các doanh nghiệp, chủ thể OCOP đều thiếu hoặc có nhưng lại hết hạn.
Các hệ thống bán lẻ mong muốn đa dạng hóa sản phẩm trên kệ và họ không gây khó dễ cho các chủ thể OCOP. Vấn đề ở đây là các chủ thể không đáp ứng được yêu cầu về giấy tờ. Một vấn đề nữa là hai bên cùng phải kết hợp để giữ uy tín của doanh nghiệp và uy tín của nhà bán lẻ. Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam thông tin.
Ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam cho hay, có một thực tế là sau các chương trình hội thảo, hội chợ, kết nối giao thương thì bị đứt gãy thông tin. Nhiều doanh nghiệp muốn tìm sản phẩm đưa vào hệ thống phân phối thì rất khó. Do vậy cần có địa điểm trưng bày, giới thiệu cho các chủ thể OCOP.
Một vấn đề nữa được ông Thạch đề cập đó là các sản phẩm OCOP của các chủ thể dù rất tốt nhưng lại chưa tìm được phân khúc thị trường phù hợp. Không phải sản phẩm nào cũng có thể vào được hệ thống siêu thị.
Ông Đỗ Hoàng Thạch lấy ví dụ, các sản phẩm trứng sữa thì cần đưa vào hệ thống trường học, bếp ăn tập thể thì mức tiêu thụ sẽ rất tốt, còn đối với các sản phẩm mang tính chất làng nghề, thủ công mỹ nghệ thì cần đẩy mạnh vào các khu du lịch.
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự khai mạc Kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố Hà Nội
- Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra việc thi công, lát đá vỉa hè
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Thành phố Hà Nội
Tại hội thảo này, Văn phòng nông thôn mới quốc gia; Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và các chủ thể OCOP đã ký 11 Biên bản ghi nhớ. 24 doanh nghiệp ký kết với các tỉnh thành; 140 doanh nghiệp ký kết với các chủ thể OCOP.
Nam Giang/TTXVN