Hà Nội: Hướng dẫn tổ chức Lễ Giáng sinh trực tuyến để phòng dịch Covid-19
(Thethaovanhoa.vn) - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Chỉ thị số 25/CT-UBND về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp lễ, Tết cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Chỉ thị thực hiện với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô; tổ chức tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ người dân trên địa bàn theo lượng vaccine do Bộ Y tế phân giao; điều chỉnh các giải pháp thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả với diễn biến của dịch COVID-19, đảm bảo công tác an sinh, xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ an toàn trên địa bàn thành phố.
* Tăng cường phòng, chống dịch dịp lễ, Tết
Mặc dù hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát, song việc hướng dẫn chuyên môn của một số sở, ngành vẫn còn chậm, chưa cụ thể, thống nhất, rõ ràng như thời gian cách ly F1, việc tổ chức xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm; một số nơi còn lúng túng, thậm chí lơ là, chủ quan trong tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt vẫn còn có cơ sở kinh doanh, một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm quy định 5K.
Bên cạnh đó, biến chủng mới là Omicron được phát hiện tại Nam Phi đã lan rộng trên phạm vi toàn cầu, nguy cơ xâm nhập là rất lớn. Do đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu thủ trưởng, Giám đốc các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt trong các dịp cuối năm, Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Theo đó, thành phố phân cấp rõ trách nhiệm, thẩm quyền cho UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, theo phương châm 4 tại chỗ; tiếp tục thực hiện hiệu quả nguyên tắc “5K+ vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”; chủ động công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần; tăng cường quản lý, giám sát các trường hợp nhập cảnh về thành phố, đặc biệt các trường hợp đến và đi về từ các quốc gia đã ghi nhận biến chủng mới Omicron; tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa bàn, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao như: bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe...
UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp, xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương theo diễn biến dịch và chỉ đạo của Trung ương và thành phố; ban hành văn bản chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, nhất là trong dịp cuối năm, lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đám tang, đám cưới...; hướng dẫn tổ chức Lễ Giáng sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh lây nhiễm dịch COVID-19, hoàn thành chậm nhất trong ngày 20/12/2021.
Về công tác tiêm vaccine, thành phố yêu cầu các địa phương phân công Tổ phòng, chống COVID cộng đồng lập danh sách người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ trong thời kỳ mang thai, người chống chỉ định chưa được tiêm vaccine và các trường hợp chưa tiêm vaccine phòng COVID-19… để quản lý, tiêm vaccine (có thể tổ chức tiêm lưu động, tại nhà), hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời; chủ động vận dụng tối đa mọi biện pháp, phân công các lực lượng phối hợp ngành Y tế để tổ chức “thần tốc” tiêm vaccine phòng COVID-19 theo Kế hoạch để phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất hoàn thành trước 31/12/2021; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trước 31/1/2022; hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên trước ngày 31/1/2022.
* Hỗ trợ theo dõi người mắc COVID-19 tại nhà
Để đáp ứng yêu cầu công tác cách ly và điều trị F0 tại nhà, thành phố yêu cầu trước ngày 20/12/2021, các địa phương thành lập xong Tổ hỗ trợ theo dõi người mắc COVID-19 tại nhà với lực lượng thanh niên là nòng cốt và chủ trì triển khai. Lực lượng này có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin từ người mắc COVID-19 tại nhà theo quy định, cập nhật vào hệ thống phần mềm quản lý F0, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà, ghi chép các thông tin và khi có những dấu hiệu bất thường về sức khoẻ của người cách ly thì thông báo ngay cho cán bộ y tế của Trạm y tế.
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng, ban hành các kịch bản, phương án ở mức cao hơn để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 từ cấp quận, huyện, thị xã đến cấp xã, phường, thị trấn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, đảm bảo triển khai tối đa việc quản lý, điều trị F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà khi đủ điều kiện; sẵn sàng kích hoạt các cơ sở thu dung điều trị F0; chỉ đạo điều tiết, hỗ trợ lực lượng, trang thiết bị giữa các xã, phường, thị trấn. Đánh giá hiệu quả hoạt động của các trạm y tế lưu động, việc điều trị F0, cách ly F1 tại nhà.
- Cục Hàng không Việt Nam ra chỉ thị ứng phó biến chủng Omicron
- Hà Nội: Chỉ thị số 20 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 6-21/9
- Tạm giữ hình sự đối tượng chống người thi hành công vụ khi người thân vi phạm Chỉ thị 16
Ngoài ra, các địa phương phải chủ động rà soát hệ thống y tế cơ sở, trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung điều trị F0 để có giải pháp cụ thể về trang thiết bị y tế, thuốc, nguồn nhân lực y tế (ngoài công lập, sinh viên các trường cao đẳng, đại học, các y bác sỹ nghỉ hưu, tình nguyện viên…) tham gia phục vụ công tác phòng, chống dịch, hoàn thành trong tháng 12/2021; cập nhật đầy đủ danh sách F0 điều trị tại nhà, đảm bảo việc cấp phát thuốc theo phác đồ điều trị và hướng dẫn đầy đủ quy trình cách ly, điều trị, xét nghiệm đối với người bệnh trong vòng 24 giờ đầu tiên khi phát hiện ca nhiễm…
Khôi Nguyên