Hà Nội đặt tên đường Trần Kim Xuyến: Vinh danh xứng đáng một 'nhà thông tấn'
(Thethaovanhoa.vn) - Hội đồng đặt tên đường phố Hà Nội đã đồng ý 100% lấy tên nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến đặt tên cho một con phố ở Hà Nội. Đó là một sự vinh danh rất xứng đáng đối với công lao, cống hiến của nhà báo Trần Kim Xuyến.
GS-NGND Phan Huy Lê, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội, khẳng định như vậy với TT&VH trước khi diễn ra lễ đặt tên phố Trần Kim Xuyến diễn ra tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy vào sáng nay (5/3).
Nhà trí thức trẻ nhiệt tâm yêu nước
Theo quy chế chung về việc đặt tên đường, phố ở Hà Nội thì ưu tiên tên đất để lưu giữ những địa danh lịch sử, tiếp đến là ưu tiên các di tích lịch sử văn hóa, sau cùng mới là nhân danh (tên người). Trong số tên người có các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa lớn và các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam có tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn quốc…
Cố nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến
Năm 1944 ông bị bắt và bị giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Năm 1945, lợi dụng lúc Nhật - Pháp bắn nhau, ông cùng một số chiến sĩ đã thoát khỏi nhà lao. Ngay sau đó, ông lao vào phong trào cách mạng, góp công lớn trong việc vận động quần chúng nhân dân giành chính quyền cách mạng.
Đặc biệt, sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Trần Kim Xuyến là một trong những tri thức trẻ tuổi hoạt động rất năng nổ. Ông được cử làm Đốc lý Văn phòng Bộ Tuyên truyền do nhà cách mạng Trần Huy Liệu khi đó làm Bộ trưởng.
Sau đó ông được cử làm Phó Giám đốc Nha Thông tin và Tổng giám đốc Việt Nam Thông tấn xã. Trên hai cương vị này, nhà báo Trần Kim Xuyến đã có có những sáng tạo, thể hiện không chỉ nhiệt tâm yêu nước mà cả tài năng tổ chức. Ông cũng là nhà báo đầu tiên có công lớn đóng góp vào ngành tuyên truyền cách mạng của Chính phủ lâm thời, cụ thể là xây dựng Đài Phát thanh Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã.
“Nhà thông tấn” mẫn cán, sáng tạo
GS-NGND Phan Huy Lê đánh giá: “Nhà báo Trần Kim Xuyến đã làm được những công việc vô cùng lớn lao. Trước hết là tập hợp tất cả thông tin từ các đài, báo nước ngoài để hệ thống, cung cấp thông tin tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ lâm thời. Ông cũng đẩy mạnh các hoạt động qua Đài Phát thanh Việt Nam để truyền bá đến nhân dân yêu nước và nhân dân toàn thế giới biết được những hoạt động của chính quyền cách mạng Việt Nam, nhất là những hoạt động có ý nghĩa sống còn của chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta lúc bấy giờ như chống giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm…”.
Đợt tuyên truyền rầm rộ nhất dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trần Kim Xuyến là chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và chính Trần Kim Xuyến là đại biểu của Quốc hội khóa 1 và là đại biểu trẻ nhất (25 tuổi).
Năm 1946, trước ngày toàn quốc kháng chiến, ông đã được lệnh đúng 19h ngày 19/8 phát đi lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó 1giờ (20h ngày 19/8) ông lại được lệnh thu thập tất cả tư liệu của Thông tấn xã và tất cả thiết bị của Đài Phát thanh chuyển sang nơi an toàn, chuẩn bị cho cuộc trường chinh kháng chiến.
Trên con đường hoàn thành nhiệm vụ lớn lao này, ngày 3/3/1947 ông đã hy sinh vì bị máy bay của quân Pháp bắn tại Đầm Sen, xã Ngọc Sơn, Chương Mỹ (Hà Nội hiện nay).
GS-NGND Phan Huy Lê nhấn mạnh: “Cuộc đời của Trần Kim Xuyến tuy ngắn ngủi, chỉ được 26 mùa Xuân và thời gian hoạt động cách mạng của ông cũng không dài, nhưng trong thời gian ngắn ngủi đó, “nhà thông tấn” Trần Kim Xuyến đã có công lao rất lớn đối với nền tuyên truyền cách mạng Việt Nam... Cho nên, cần phải tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ công lao, sự nghiệp của ông, đặc biệt là ở phường nơi có con phố mang tên ông, từ đó để nhân dân tự hào về tên phố mà họ là cộng đồng cư dân ở trên phố ấy…”.
Ngày 2/1/2014, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã có Quyết định số 31/QĐ-UBND về việc đặt tên phố Trần Kim Xuyến (nằm trên địa bàn phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). |
Huy Thông
Thể thao & Văn hóa