Hà Nội có cần một 'Quảng trường Thời đại'?
(Thethaovanhoa.vn) - (LTS): Tối ngày 31/12 để chào đón năm mới, hàng chục ngàn người đã tập trung tại khu vực quanh Hồ Gươm, nhất là tại 3 điểm có sân khấu biểu diễn ngoài trời là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Cách mạng Tháng 8 và Tượng đài Lý Thái Tổ.
Thông tin từ các báo cho thấy, khu vực này khá hỗn loạn, nhiều phụ nữ ngất xỉu do không chịu nổi cảnh chen lấn xô đẩy. Chưa kể, còn có một tai nạn xảy ra tại Quảng trường Nhà hát Lớn khi 2 cô gái bị tia lửa pháo bông rơi trúng tay và bị thương.Ở một khía cạnh nào đó, nhiều người lại e ngại rằng, với sự thiếu thốn không gian công cộng ở Hà Nội hiện nay, nhất là không gian quảng trường lớn, để tập trung đông người trong các lễ hội lớn, thì tai họa dường như là điều khó tránh khỏi.
Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với KTS Hoàng Thúc Hào, người đã từng giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về kiến trúc, trong đó có giải Nhì (không có giải Nhất) Cuộc thi Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận (do UBND TP Hà Nội phát động năm 2009).
* Với tư cách là một kiến trúc sư, anh nghĩ gì về "sức chứa" của các không gian công cộng ở Hà Nội, mà điển hình là các quảng trường?
- Gần như chỉ có Ba Đình đúng nghĩa là Quảng trường trung tâm, đủ sức chứa, đủ khả năng kết nối, thoát người với mạng lưới giao thông chung của đô thị. Những không gian khác chỉ là vườn hoa, nút giao thông, hay quảng trường nhỏ, thích hợp cho hoạt động quy mô vừa và nhỏ.
* Ở Hà Nội, mọi người có tâm lý đổ về Hồ Gươm vào các dịp lễ hội. Nhưng nơi này có thực sự phù hợp với lễ hội đông người?
- Những không gian quanh Hồ Gươm và phụ cận bản chất không lớn, không phù hợp tập trung quá đông người. Không gian đệm xung quanh cũng nhỏ, chật, thoát người hạn chế. Nên tạo hệ thống không gian mở liên hoàn quanh hồ nhằm phân tán, giảm áp lực cho từng không gian. Đồng thời kết hợp với quy hoạch giao thông, chức năng vùng phụ cận, sự phát triển mạng tầu điện ngầm, không gian đi bộ để xác định lại quy mô, công suất tổng thể phục vụ dịp đại lễ.
“Biển người” chen lấn ở Quảng trường Cách mạng Tháng 8. Ảnh: TTXVN
* Anh có nghĩ rằng, Hà Nội cần một quảng trường lớn như... Quảng trường Thời đại của Mỹ?
- Về nguyên tắc, hệ thống không gian mở nói chung và quảng trường nói riêng cần được phân bố công bằng trong hệ thống cấu trúc thành phố. Cư dân ở Đông Anh, Sóc Sơn… cũng phải được hưởng tiện ích đô thị, được sinh hoạt ở Quảng trường như người quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.
Chúng ta đã có Quảng trường Ba Đình, biểu tượng của nước Việt Nam thống nhất, độc lập. Xung quanh lại có Lăng Bác, di sản Hoàng Thành, nhà Quốc hội... Thật là một không gian độc nhất vô nhị, không cần và không nên so sánh với nước khác…
* Trong điều kiện quảng trường Hà Nội như hiện nay, theo anh nên khai thác tổ chức lễ hội ở đó như thế nào để đảm bảo không quá tải?
- Phải tạo ra các đa cực đô thị, với hệ thống quảng trường đủ sức hấp dẫn. Đây là cách duy nhất giảm tải hiệu quả và công bằng. Còn chuyện làm sao cho quảng trường Việt có bản sắc sẽ bàn dịp khác, không nhất thiết sao chép mô hình phương Tây.
* Nói thật, giao thừa 2016 vừa qua, anh và gia đình có... đổ ra đường và đến các quảng trường?
- Gia đình tôi ở nhà, đầm ấm và an toàn.
* Xin cảm ơn anh!
Đông Kinh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa