Hà Nội bình ổn thị trường phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 2/10, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để góp phần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và an sinh xã hội trong những tháng cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, UBND thành phố Hà Nội đã và đang triển khai có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2018.
- Tết Nguyên đán 2019 có thể được nghỉ bao nhiêu ngày?
- Văn khấn rằm tháng Giêng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018
Theo đó, căn cứ dân số, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị, diễn biến thị trường của 9 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã định hướng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh xây dựng kế hoạch kinh doanh, chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa trong những tháng cận Tết năm 2019 tăng từ 10% đến 15% so với các tháng trong năm.
Dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2019 (tính cho 2 tháng) gồm: gạo 190.600 tấn; thịt lợn 44.000 tấn; thịt gà 14.600 tấn; thịt bò 12.306 tấn; thủy hải sản 11.200 tấn; thực phẩm chế biến 12.800 tấn; rau củ 254.400 tấn; 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát và các mặt hàng về may mặc, điện máy... Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết năm 2019 đạt 28,5 nghìn tỷ đồng tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018.
Giá bán của các mặt hàng tham gia chương trình sẽ được Sở Tài chính tổng hợp và công bố trên trang thông tin điện tử. Trong trường hợp có biến động về giá, doanh nghiệp cần thông báo và làm theo hướng dẫn điều chỉnh của Sở Tài chính. Về phương thức triển khai thực hiện, UBND thành phố Hà Nội đã vận động doanh nghiệp chủ động bằng nguồn vốn tự có và vốn vay từ các tổ chức tín dụng để dự trữ và phân phối hàng hóa cung ứng phục vụ thị trường.
Hiện đã có 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường đưa hàng hóa tới 10.428 điểm bán hàng phục vụ nhân dân. Các điểm bán hàng bình ổn của doanh nghiệp bắt buộc phải treo biển nhận diện theo mẫu quy định. Đặc biệt, có 3 tổ chức tín dụng đã đăng ký cho các doanh nghiệp vay vốn để thực hiện chương trình với tổng số vốn lên đến 2.700 tỷ đồng.
Để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững thành phố Hà Nội năm 2018; tổ chức các đoàn doanh nghiệp Hà Nội tham gia các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ nông sản tại Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn… thông qua đó các doanh nghiệp Hà Nội đã ký kết trên 400 biên bản ghi nhớ, hợp tác, đẩy mạnh kết nối và tiêu thụ sản phẩm…
Đồng thời, để đưa hàng hóa bình ổn đến người dân tại các khu vực nông thôn, khu công nghiệp, thành phố Hà Nội đã vận động doanh nghiệp tổ chức thực hiện trên 350 chuyến bán hàng lưu động, 10 phiên chợ việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu của nhân dân và người lao động.
Nguyễn Thắng