Guardiola bị ám ảnh bởi các trung vệ hơn bất cứ ai, Gvardiol hãy coi chừng
Pep Guardiola yêu các tiền vệ hơn tất thảy nhưng ông bị ám ảnh bởi các trung vệ hơn bất cứ ai. Triết lý bóng đá của Pep là tấn công nhưng phòng ngự là nơi mà ông sử dụng các trung vệ cầu kì nhất, từ Barcelona đến Bayern và đặc biệt là ở Man City hiện tại.
1. Có những người đánh mất sự nghiệp mãi mãi dưới bàn tay của HLV 52 tuổi như Dmytro Chygrynskiy bởi không thể đáp ứng được triết lý bóng đá mà Pep Guardiola xây dựng ở Barcelona trong những năm đầu sự nghiệp.
Đó không phải là điều dễ dàng với những người xa lạ với những đòi hỏi về kĩ chiến thuật của Pep Guardiola, họ không chỉ làm những việc phải làm của một hậu vệ thông thường mà còn phải tư duy như một nhà tổ chức từ tuyến sau. Có lẽ, nếu chơi bóng ở thời đại này, những huyền thoại bất diệt của chúng ta như Beckenbauer, Baresi hay Canavaro hoặc Nesta cũng khó mà "sống sót" được dưới áp lực chiến thuật của Pep Guardiola.
Không ở đâu mà những trung vệ sớm bị "đào thải" như tại Etihad. Aymeric Laporte sớm bị thay thế ở Etihad vì mắc sai lầm thường xuyên ở thời điểm quyết định trong các trận lớn. John Stones phải vật lộn để tìm được chỗ đứng trong đội hình của Man City và nếu không phải vì anh hoàn hảo trong vai trò của một cầu thủ chơi theo trục dọc và tiến lên vài mét ở hàng tiền vệ như ở mùa giải trước, có lẽ, trung vệ người Anh rất khó để tồn tại được ở sân đấu này.
Các hậu vệ là những người khó ở nhất tại The Citizens. Một ngày nọ, Joao Cancelo được yêu cầu bó vào giữa sân như một chân chuyền thứ hai, anh ta chơi hay đến mức thấy bản thân ở một đẳng cấp khác. Và vào một ngày khác, hậu vệ người Bồ Đào Nha bị đá ra khỏi đội hình của Pep Guardiola.
Kyle Walker là một trong những hậu vệ nhanh nhất và khỏe nhất thế giới, rồi đột nhiên, anh ta thấy mình phải dự bị cho Manuel Akanji, anh chàng vô danh xuất hiện vào cuối mùa Hè trước. Bên cánh trái, Pep còn chẳng bận tâm xem Mendy sẽ chịu án phạt nào, Zinchenko đi đâu và Cancelo còn ở đây hay không bởi Nathan Ake làm tất cả những điều ông yêu cầu ở một hậu vệ cánh.
2. Ngay từ trước khi Man City có được chữ kí của Josko Gvardiol với mức phí 77 triệu bảng, người ta đã bắt đầu phân tích xem trung vệ người Croatia phù hợp như thế nào với hệ thống của HLV 52 tuổi này, và anh sẽ làm được những gì ở nước Anh thời gian tới.
Nó cũng là một phần công việc của Pep và các cộng sự sau mỗi mùa bóng, kể từ lúc đặt chân đến xứ sở sương mù. Điều càng trở nên cần thiết hơn sau khi Man City đã giành cú ăn ba vĩ đại ở mùa trước với rất nhiều xáo trộn ở hệ thống phòng ngự và có khả năng điều đó sẽ lặp lại một lần nữa bởi tương lai không chắc chắn của Kyle Walker và Joao Cancelo.
Gvardiol trở thành một gợi ý hấp dẫn cho Man City bởi anh chính là định nghĩa của một trung vệ hiện đại. Anh có thể thực hiện tất cả các nhiệm vụ phòng thủ cần thiết của một hậu vệ truyền thống, đồng thời cung cấp những pha xử lý nghiêm túc của một nhà tổ chức lùi sâu.
Chơi trong một hệ thống kiểm soát bóng vượt trội như Leipzig (trung bình lên tới 58,3% ở mùa trước), Gvardiol cực kỳ thoải mái khi cầm bóng và mỗi 90 phút ở Bundesliga, trung vệ 21 tuổi này có 4,4 đường chuyền hướng về phía trước. Con số này vượt xa tỉ lệ của Ruben Dias (3,2 đường chuyền), Nathan Ake (2,6) và Akanji (2,2). Thực tế là Gvardiol đã quen với việc chạm bóng lên tới 100 lần mỗi trận giúp quá trình chuyển đổi sang một đội bóng nặng về kiểm soát bóng tương tự như Man City trở nên liền mạch hơn.
Cách các đội chơi pressing cường độ cao ở Premier League có thể sẽ khiến Gvardiol cảm thấy sốc nhưng nếu không học cách hít thở bầu không khí quyết liệt đó, anh sẽ không bao giờ tiến đến được trình độ cao nhất của sự nghiệp.