GS-TS Bùi Quang Thắng: Hỗ trợ những nghệ sĩ có xu hướng đương đại
(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn 2 năm thành lập, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại (Vicas Art Studio, 32 Hào Nam, Hà Nội) - thuộc Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - được coi là một trong những không gian nghệ thuật đầu tiên trong cả nước do một đơn vị nhà nước quản lý, có chức năng nghiên cứu và hỗ trợ phát triển các sáng tạo và thử nghiệm về nghệ thuật đương đại với nhiều chương trình tiên phong, góp phần định hướng nghệ thuật cho nghệ sĩ.
GS-TS Bùi Quang Thắng - Giám đốc nghệ thuật Vicas Art Studio đã dành cho Thể thao và Văn hóa một cuộc trò chuyện về mô hình hoạt động nghệ thuật mới này cũng như việc đưa những xu hướng đương đại đến gần hơn với công chúng.
Ông cho biết:
- Việc thành lập Vicas Art Studio là chủ trương của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, muốn có một trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. Vì mặt bằng chung của mỹ thuật nước nhà vẫn nằm ở mỹ thuật trang trí, phản ánh hiện thực, trong khi dòng nghệ thuật đương đại còn mới, chưa phát triển và chưa được nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều, trong khi trên thế giới nghệ thuật đương đại rất phổ biến và tạo được một bộ mặt đương thời của đời sống tinh thần của xã hội. Trung tâm ra đời với mong muốn kết nối nghệ sĩ đương đại với công chúng và khuyến khích hỗ trợ những nghệ sĩ có xu hướng đương đại. Chúng tôi hy vọng rằng, bằng hoạt động thực tế, trung tâm sẽ có tác động xã hội nào đó.
* Mục đích hướng tới của Vicas Art Studio có gì khác với những không gian triển lãm khác?
- Việt Nam hiện nay đã có một số các HUB (trung tâm) độc lập, nhưng đó là những tổ chức do sáng kiến của các cá nhân, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, kinh phí hoạt động còn hạn chế…, hoạt động nghệ thuật của họ cũng bị hạn chế và tác động xã hội của họ cũng hạn chế. Còn một số không gian triển lãm khác thì hoạt động chính của họ là cho thuê hoặc tổ chức những sự kiện chính trị, tức là họ không quan tâm đến câu chuyện nghệ thuật đương đại.
Còn Vicas Art Studio sinh ra không phải để kinh doanh mặc dù có cố gắng kiếm tiền để gây quỹ. Quỹ này để hoạt động nghệ thuật và hỗ trợ các tài năng trẻ hay những nghệ sĩ thiểu số, đó là số ít người vượt lên so với mặt bằng của nghệ thuật hiện nay để đi một con đường khó hơn, kén khán giả hơn.
Chúng tôi nỗ lực để tìm ra nghệ sĩ giỏi. Bởi vì có những người rất độc đáo nhưng chưa bán được tác phẩm, chưa ai biết đến, dù họ rất tài năng và có “level” quốc tế. Bất kể người đó là ai, ở đâu, hoặc qua Facebook, hoặc có người giới thiệu, chúng tôi sẽ đến xem và nếu tốt chúng tôi sẽ hỗ trợ tổ chức triển lãm.
* Vai trò trung tâm ở đây là như thế nào?
- Chúng tôi ở vai trò kết nối và hỗ trợ nghệ sĩ. Ở sự hỗ trợ, thông thường nếu một họa sĩ hiện nay muốn làm một triển lãm cá nhân thì phải có ít nhất 50 triệu đồng mới có thể làm được, còn ở chỗ chúng tôi chỉ cần mất vài triệu chi phí cho triển lãm, có khi 1 tháng cũng chỉ hết khoảng 8 triệu đồng, trong đó bao gồm tiền thuê người trông phòng tranh, tiệc bia, in ấn,… chúng tôi không lấy tiền thuê phòng. Tôi nghĩ rằng đối với một người họa sĩ nghèo thì như thế họ mới có thể mở triển lãm cá nhân.
* Trong bối cảnh chung của các triển lãm nghệ thuật, Vicas Art Studio có gặp khó khăn?
- Thực ra chúng tôi cũng phải cạnh tranh, muốn cho trung tâm tồn tại được thì phải xây dựng thương hiệu riêng cho nó. Cạnh tranh ở đây là sự khác biệt về khuynh hướng nghệ thuật, kể cả không bán được tranh đi nữa nhưng phù hợp với mục đích của trung tâm, chúng tôi vẫn sẽ làm.
Vấn đề nữa là làm thế nào để kết nối được một dòng nghệ thuật có khuynh hướng mới với công chúng, kể cả với công chúng chỉ đến xem thôi chúng tôi cũng thấy hạnh phúc rồi, tất nhiên nếu các tác phẩm đó mà bán được thì càng tuyệt hơn. Mong ước của chúng tôi là vừa bán được tác phẩm đương đại lại vừa làm cho thị hiếu khán giả thay đổi.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
An Đạt (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý