GS người Pháp giành Nobel Kinh tế 2014 và sự 'thống trị' của người Mỹ
(Thethaovanhoa.vn) - Nobel Kinh tế đã khép lại mùa giải Noble 2014, với giải thưởng năm nay thuộc về Giáo sư kinh tế người Pháp Jean Tirole thuộc trường Đại học Toulouse 1 Capitole, vì những nghiên cứu của ông về "sức mạnh và quy luật thị trường".
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã đánh giá Jean Tirole là một trong những nhà kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong mọi thời đại. Trên tất cả, ông đã làm sáng tỏ cách "nắm bắt và kiểm soát các ngành công nghiệp thông qua một vài công ty quyền lực... Nhiều ngành công nghiệp bị một nhóm nhỏ các công ty lớn hoặc một tập đoàn độc quyền chi phối”.
Giáo sư kinh tế Jean Tirole, sinh năm 1953, ông đã vượt qua hàng loạt các tên tuổi khác đến từ Mỹ như Philipe M. Aghion, Peter W. Howitt, William J. Baumol...giành giải thưởng cao quý này. Ông trở thành công dân Pháp thứ hai nhận giải thưởng Nobel năm nay.
Giải Nobel cho lĩnh vực kinh tế ban đầu không thuộc cơ cấu các giải thưởng trong di chúc của nhà sáng lập người Thụy Điển Alfred Nobel. Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển công bố giải này nhân kỷ niệm 300 năm ngày thành lập. Ngoài giải Nobel Kinh tế đầu tiên được trao năm 1969, các giải khác được trao từ năm 1901. Trong một thập kỷ qua, các nhà kinh tế người Mỹ luôn được xướng danh trong danh sách nhận giải này với 18 trên tổng số 20 người. Năm ngoái, các học giả Mỹ Alvin Roth và Lloyd Shapley đoạt giải Nobel Kinh tế nhờ nghiên cứu về chức năng của thị trường và cách thức cân bằng giữa cung và cầu.
Chủ nhân giải Nobel Kinh tế sẽ được nhận giải thưởng trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1,1 triệu USD) tại buổi lễ trao giải chính thức được tổ chức ở Stockhom (Thụy Điển) vào ngày 10/12 tới, đúng ngày mất của Anfred Nobel.
"Sức mạnh và quy luật thị trường"
Jean Tirole sinh năm 1953 tại Troyes (Pháp) và lấy bằng Tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) năm 1981. Sau đó, ông làm công tác nghiên cứu tại Trường quốc gia École cho đến năm 1984. Từ năm 1984-1991, ông giảng dạy tại Học viện Công nghệ Massachusetts. Năm 1998, Giáo sư Jean Tirole được trao giải thưởng John von Neumann.
Năm 2001 ông là Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế châu Âu. Ông hiện là Giám đốc Khoa học tại Học viện Công nghiệp Kinh tế, thuộc Trường Kinh tế Toulouse, Đại học Toulouse 1 Capitole ở thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp.
Giáo sư Jean Tirole đã có nhiều nghiên cứu quan trọng trong một số lĩnh vực. Nhưng đáng kể nhất là ông đã làm sáng tỏ cách "nắm bắt và kiểm soát các ngành công nghiệp thông qua một vài công ty quyền lực... Nhiều ngành công nghiệp bị một nhóm nhỏ các công ty lớn hoặc một tập đoàn độc quyền chi phối”.
Hiện nay, rất nhiều ngành trên thế giới chỉ do vài công ty thao túng, hoặc thậm chí độc quyền. Nếu không quản lý, thị trường sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề không mong muốn, như giá sản phẩm cao hay công ty mới không thể thâm nhập.
Từ thập niên 80, Giáo sư Jean Tirole đã bắt đầu nghiên cứu việc làm thế nào mà các doanh nghiệp lớn có thể thao túng thị trường, những thiệt hại của việc thao túng đó và chính phủ phải làm sao mới có thể quản lý các vụ sáp nhập hoặc các tập đoàn lớn. Jean Tirole đã chỉ ra các biện pháp này có thể hoạt động tốt trong một số điều kiện nhất định, nhưng sẽ khiến thị trường tổn thương trong những trường hợp còn lại.
Trước Tirole, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đã luôn tìm cách đặt ra quy định chung cho tất cả ngành công nghiệp. Họ ưu tiên các chính sách đơn giản, như áp giá trần cho các công ty độc quyền hay cấm các đối thủ hợp tác với nhau, đồng thời cho phép liên kết giữa các công ty có vai trò khác nhau trong chuỗi giá trị.
Theo lập luận của Tirole, chính sách quản lý tốt nhất là khi nó phù hợp với điều kiện và được áp dụng tùy từng ngành công nghiệp. Chẳng hạn như nên chia ra thành viễn thông, ngân hàng… thay vì cố gắng áp dụng một quy tắc chung đối với tất cả các ngành.
Dựa theo nghiên cứu này của giáo sư Tirole, chính phủ các quốc gia có thể đưa ra những biện pháp phù hợp nhằm “khuyến khích các doanh nghiệp lớn hoạt động tốt hơn mà không gây hại tới đối thủ cạnh tranh và khách hàng”.
Sự thống trị của người Mỹ
Năm 2003: Hai nhà khoa học Robert F.Engle, người Mỹ và Clive W.J.Granger, người Anh, được trao giải thưởng Nobel Kinh tế vì đã đưa ra được những phương pháp phân tích số liệu kinh tế theo chuỗi thời gian (ARCH) giúp cho việc dự báo tăng trưởng kinh tế.
Năm 2004: Hai Tiến sĩ Kinh tế Finn E.Kydland, người Na Uy và Edward C.Prescott, người Mỹ, được trao giải thưởng Nobel Kinh tế vì có những đóng góp quan trọng cho thuyết kinh tế vĩ mô động lực.
Năm 2005: Hai nhà Kinh tế là Robert J.Aumann, người Israel và Thomas C.Schelling, người Mỹ, được trao giải thưởng Nobel Kinh tế vì đã có những phân tích về "thuyết trò chơi" giúp hiểu rõ nguyên nhân của những cuộc tranh chấp, xung đột hay hợp tác giữa các cá nhân, các quốc gia, các tổ chức trên toàn thế giới.
Năm 2006: Nhà nghiên cứu Edmund Phelps, người Mỹ được trao giải thưởng Nobel Kinh tế, với công trình phân tích sâu rộng về tác động lẫn nhau giữa giá cả, thất nghiệp và lạm phát, qua đó cho phép xác định chính sách kinh tế vĩ mô.
Năm 2007: Ba nhà Kinh tế là Leonid Hurwicz, Eric Maskin và Roger Myerson, người Mỹ, được trao giải thưởng Nobel Kinh tế với những công trình đặt nền móng cho học thuyết "Về các cơ chế nhận biết" được đánh giá là không chỉ có vai trò lớn trong kinh tế học mà cả trong chính trị học. Các công trình nghiên cứu của ba nhà kinh tế này tập trung vào việc xây dựng các hệ thống kinh tế.
Năm 2008: Nhà Kinh tế Paul Krugman, người Mỹ được trao giải thưởng Nobel Kinh tế, với công trình phân tích các mô hình kinh tế và sự phân bổ hoạt động kinh tế trên thế giới.
Năm 2009: Hai Giáo sư người Mỹ là nữ Giáo sư Elinor Ostrom và Giáo sư Oliver Williamson đoạt giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2009, vì những nghiên cứu của họ về tổ chức hợp tác quản lý kinh tế.
Năm 2010: Ba nhà kinh tế gồm Peter Diamond, Dale Mortensen - người Mỹ và Christopher Pissarides - mang hai quốc tịch Anh - Síp được trao giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2010, vì đã đưa ra các lý thuyết giải thích về sự tác động của các chính sách kinh tế tới vấn đề thất nghiệp, thiếu nhân lực và lương.
Năm 2011: Hai nhà nghiên cứu người Mỹ là Thomas Sargent và Christopher Sims được trao giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2011, do những công trình nghiên cứu về hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và hoạch định chính sách kinh tế của chính phủ.
Năm 2012: Hai nhà kinh tế người Mỹ Alvin Roth và Lloyd S.Shapley được trao giải Nobel Kinh tế năm 2012 cho công trình nghiên cứu về cách thức làm thế nào để hài hòa các tác nhân kinh tế khác nhau. Công trình nghiên cứu "Thuyết phân phối ổn định và thực tiễn về tạo lập thị trường” của hai nhà khoa học Roth và Shapley này đã giải đáp được những câu hỏi xung quanh vấn đề là làm thế nào để kết nối được các đại lý một cách hiệu quả nhất có thể.
Năm 2013: Ba giáo sư người Mỹ là Lars Peter Hansen, Eugene Fama và Robert Shiller được trao giải Nobel Kinh tế năm 2013, với công trình “phân tích thực tế về giá cả tài sản”. Công trình nghiên cứu mang tính đột phá về các thị trường tài sản, đặt nền tảng cho sự hiểu biết hiện tại về giá tài sản, từ đó làm sâu sắc hơn sự hiểu biết về xu hướng và sự chuyển động của giá tài sản, chẳng hạn như cổ phiếu và trái phiếu.
T.Vy - TTXVN