GS Ngô Bảo Châu tâm sự về tình yêu
- CHÙM ẢNH: Tổng thống Pháp Hollande, GS Ngô Bảo Châu dạo phố cổ Hà Nội
- GS Ngô Bảo Châu & vẻ đẹp tri thức ngày khai giảng
Thực chất, Tình yêu và toán học cũng là tên gọi một tác phẩm của GS toán học Edward Frenkel (Mỹ). Chính Ngô Bảo Châu là người viết lời giới thiệu, khi Nhã Nam biên dịch và xuất bản tác phẩm trên vào năm 2015.
Nhưng, với độc giả trẻ, dường như sự có mặt của Ngô Bảo Châu tại Hội sách lại là câu chuyện thú vị hơn bất cứ tác phẩm nào. Bởi thế, trước hàng trăm cử tọa trong buổi giao lưu, chủ nhân giải thưởng Fields đã phải mất kha khá thời gian để trả lời những câu hỏi về cách nhìn của anh (chứ không phải của... Edward Frenkel) về toán học.
Rất nhiều độc giả trẻ đã có mặt tại buổi tọa đàm với GS Ngô Bảo Châu
"Tôi chỉ muốn nói ngắn gọn, toán học là nền tảng quan trọng để phát triển tư duy" – Ngô Bảo Châu nói. "Vì lý do này khác, chúng ta hay nghĩ Toán là điều gì đó rất xa vời với cuộc sống. Nhưng thực chất, khi nghĩ vậy, tự chúng ta đã thủ tiêu một trong những thành quả quan trọng nhất của con người. Bởi trên thực tế, đôi khi chúng ta phải cần tới hàng chục, hàng trăm năm để một vài ý tưởng cơ bản của toán học được hình thành..."
Trước câu hỏi khá hồn nhiên từ một bạn trẻ về học lực thời cấp 2 của mình, GS Ngô Bảo Châu kể rằng khi ấy, anh cũng không quá nổi trội so với các bạn, thậm chí có lần còn thất bại ở một kì thi chuyên toán. Vậy nhưng, như lời anh, sự hào hứng trước những thách đố từ môn toán là lý do để Châu bắt đầu quá trình phát triển tư duy của mình.
"Có những bài toán bỏ ra vài tiếng không giải nổi, tôi ức vô cùng. Rồi lén mở phần hướng dẫn ở cuối sách thì thấy giật mình: sao đơn giản vậy mà không nghĩ ra..." – GS kể. "Thật lòng, luôn sợ... dốt, luôn có sự nhiệt huyết tìm tòi về cách tư duy thì cũng sẽ tới lúc bản thân tiến bộ hơn. Vất vả trong 2 năm đầu cấp 2, nhưng tới lớp 8 thì sức học của tôi lên hẳn....".
Khi được đề nghị giải thích mối liên quan giữa 2 khái niệm "tình yêu" và "toán học" – như chủ đề của cuộc tọa đàm – anh cười: "Từ hàng ngàn năm nay, loại người vẫn cố định nghĩa về tình yêu mà không thành công. Nhưng rõ ràng, những biểu hiện của nó thì dễ nhận thấy vô cùng. Chẳng hạn, gặp nhau thì vui mừng và xúc động, không gặp thì bồn chồn, khắc khoải, nhớ nhung...".
GS Ngô Bảo Châu (trái) chia sẻ cùng độc giả
"Toán học với tôi cũng thế" – Châu nói. "Hai tháng qua, về Việt Nam, làm nhiều công việc liên quan tới khâu tổ chức, tôi có rất ít thời gian để ngồi giải toán. Và tôi nhớ toán kinh khủng, tới mức có phần hơi khó chịu trong tính cách hàng ngày. Sắp tới, khi nào có thời gian cho nó, hẳn tôi sẽ thấy thoải mái, hào hứng như tiếp xúc với một người yêu, một người bạn mà lâu ngày không gặp...".
Và, khi kết thúc cuộc tọa đàm bằng câu trả lời về cách phát triển tư duy trong thời buổi tràn ngập thông tin như hiện nay, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ rằng độc giả nên sớm có sự định hướng và chủ động cho mình.
"Trong một vài ngày hoặc một vài tuần nhất định tôi chỉ quan tâm đến một vài câu hỏi nhất định. Sau đó, dù đã tìm ra câu trả lời hoặc chưa, tôi sẽ dành thời gian cho những vấn đề khác" – anh nói. "Các bạn nên xác định rằng báo chí và internet là công cụ để giải đáp những câu hỏi do bản thân mình đưa ra, thay vì thụ động và để cảm xúc, suy nghĩ của bản thân cho các luồng thông tin điều khiển..."
Sơn Tùng