Grammy có thật sự là nơi hội tụ của âm nhạc đỉnh cao?
(Thethaovanhoa.vn) – Một trong những tranh cãi lớn nhất về giải Grammy là liệu giải trao theo tiêu chí về chất lượng của nghệ sĩ, ca khúc, album hay theo thị phần hoặc kết hợp cả hai.
Mặc dù các thành viên bỏ phiếu thuộc Viện thu âm nghệ thuật và khoa học Mỹ được chỉ đạo để chọn người thắng cuộc theo tiêu chí chất lượng. Tuy nhiên, có nhiều lý do chỉ ra rằng việc lựa chọn còn dựa theo nhiều yếu tố khác.
Hội đồng bình xét – gồm một nhóm các nghệ sĩ, chỉ huy, nhạc sĩ và kỹ sư ghi âm – hoạt động trong một môi trường nghề nghiệp, chứ không phải môi trường văn hóa. Do đó, có thể họ có thể thiên về khả năng sinh lời hơn là về nghệ thuật. “Chất lượng” là cái rất khó để rạch ròi và những người bỏ phiếu ẩn danh, tất nhiên, không bao giờ phải phân bua về sự lựa chọn của mình.
Giải Grammy năm nay sẽ diễn ra vào 8h sáng ngày 13/2 theo giờ Việt Nam
Thước đo về chất lượng hay mức độ nổi tiếng
Năm 2006, hai giáo sư Mary Watson và Narasimhan Anand đã chỉ ra rằng danh mục trao giải Grammy đã dược thay đổi để quảng bá cho các dòng nhạc nhất định. Ví dụ, tới năm 1979 mới có giải cho nhạc rock, còn với rap là từ năm 1989. Trước đó, hai giáo sư cũng lưu ý mối quan hệ giữa việc ghi nhận các thể loại này với thành công thương mại mà chúng gặt hái được.
Ngoài ra, ở một số hạng mục như Ghi âm, Album và Ca khúc của năm, Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất, vốn là các hạng mục dành cho mọi thể loại nhạc, nhưng các nghệ sĩ hoặc bản thu cổ điển lại chưa từng thắng ở các hạng mục này. Hẳn không phải trùng hợp ngẫu nhiên khi nhạc cổ điển và jazz có thị phần rất nhỏ. Trong khi đó, Album của năm 2016 là 1989 của Taylor Swfit, đã bán được năm triệu bản tính tới 5/7/2015 còn đề cử 25 của Adele thì bán được chín triệu bản riêng trong năm 2016.
Nhạc jazz được “hào phóng” hơn so với cổ điển, nơi thể loại này đã từng giành được giải ở hầu hết các hạng mục trừ Ca khúc của năm. Gần đây, năm 2011, giọng ca Esperanza Spalding trở thành nghệ sĩ nhạc jazz đầu tiên và duy nhất giành giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất.
Đó là chưa kể tới Grammy năm 1979. Thật khó tin rằng năm đó không có nghệ sĩ mới nào xuất sắc hơn người chiến thắng là Debby Boone. Con gái của huyền thoại nhạc pop những năm 1950 Pat Boone với bản thu You Light Up My Life đứng đầu Billboard Hot 100 suốt mười tuần liên tiếp trước Grammy. Boone và các ứng cử - Andy Gibb, Foreigner, Shaun Cassidy và Steven Bishop – khó khiến mọi người cảm thấy giải dựa trên chất lượng nghệ thuật hơn là doanh số bán hàng.
Nhiều nghệ sĩ và nhà phê bình đã thẳng thắn đánh giá Grammy là đơn vị “làm tiền”, rất ít liên quan tới nghệ thuật.
Khi Pearl Jam thắng giải Trình diễn hard rock xuất sắc nhất năm 1996, giọng ca chính Eddie Vedder đã bình luận trên sân khấu rằng: “Tôi không hiểu giải này có ý nghĩa gì. Tôi thấy nó chẳng có nghĩa gì”.
Năm 1991, Sinead O’Connor, người dù thắng giải Trình diễn alternative xuất sắc nhất và được đề cử ở nhiều hạng mục khác, cũng tẩy chay buổi lễ và từ chối nhận giải với lý do nó “cực kỳ thương mại hóa”. Đây là nghệ sĩ đầu tiền có động thái này.
Pearl Jam không hiểu Grammy có ý nghĩa gì
Các loại nhạc ít phổ biến đang bị loại bỏ
Năm 2012, Grammy đã có một cuộc cải tổ lớn về danh mục giải thưởng, giảm từ 109 xuống 78. Thể loại nhạc dân tộc bị ảnh hưởng mạnh nhất. Các nhà tổ chức đã xếp các loại nhạc truyền thống ở những vùng khác nhau vào chung một giải Trình diễn nhạc nguồn cội Mỹ xuất sắc nhất, thay thế cho loạt giải Album nhạc thổ dân Mỹ xuất sắc nhất, Album nhạc Hawaii xuất sắc nhất, Album nhạc Zydeco và Cajun xuất sắc nhất và Album nhạc Polka xuất sắc nhất.
Nhiều người đã đứng lên phản đối quyết định này, cáo buộc nó có ý phân biệt chủng tộc, kinh tế và là một cuộc tấn công vào các hãng thu âm nhỏ, độc lập. Scoot Billington của hãng thu âm Rounder (một hãng thu âm nhạc dân tộc bị ảnh hưởng) cho rằng: “Có vẻ hơi kỳ lạ khi để các bản ghi nhạc Hawaii cạnh tranh với nhạc polka”.
Ngược lại, giải Pulitzer cho âm nhạc được cho là ít hoặc không có liên hệ với thị phần. Không chắc quá trình bỏ phiếu có diễn ra công bằng hoàn toàn không nhưng giải tạo ấn tượng rằng đây là giải văn hóa, không phải thương mại.
Kết quả không phải từ sự lựa chọn của hàng trăm người trong ngành công nghiệp âm nhạc mà bởi một nhóm nhỏ các chuyên gia: các nghệ sĩ, diễn giả và nhà phê bình. Nhiều năm nay, giải Pulitzer cho âm nhạc đã có giải riêng cho nhạc cổ điển và các nhà soạn nhạc. Thậm chí, năm 2004, giải chấm chi tiết trên bản thu thay vì nhạc phổ.
Không giống như Grammy, giải Pulitzer thậm chí từng trao giải cho các nhà soạn nhạc ít tiếng tăm như Caroline Shaw, một sinh viên 30 tuổi, thắng giải năm 2013 với bản Partita for 8 voice, phát hành bởi hãng thu âm nhỏ, độc lập là New Amsterdam.
Giải Pulitzer có thể bị chỉ trích vì những lý do như quá “học thuật” hay không có liên hệ với công chúng chứ không bao giờ bởi nó quan tâm tới tính thương mại. Trong khi đó, khó mà nói điều này với giải Grammy.