Góc Tuấn Phong: Hat-trick của cầu thủ nội quý như vàng
(Thethaovanhoa.vn) - Một cầu thủ nội lập được hat-trick ở V-League thời điểm này là điều đáng mừng. Trong lịch sử V-League, không có nhiều cầu thủ nội làm được điều đó, tức là ghi 3 bàn thắng trong một trận đấu.
Thế nên, cái tin Đình Tùng một mình ghi cả 3 bàn giúp Thanh Hóa đánh bại Đồng Tháp trên sân Cao Lãnh đã và cần được đón nhận như một sự kiện đặc biệt.
Và nếu nhìn V-League từ đầu mùa, cộng với việc Văn Thắng của Cần Thơ lập hat-trick vào lưới HAGL lại càng trở nên đặc biệt hơn nữa.
Nếu tôi không nhầm thì một cầu thủ nội cỡ chân sút Công Vinh dù đã ghi gần 100 bàn thắng ở V-League cũng mới chỉ có một lần ghi được 4 bàn trong một trận đấu.
3 hay 4 bàn đều là những thành quả sau những nỗ lực lớn của các cầu thủ nội. Công Vinh chắc cũng coi đó là thành tích đặc biệt, vì bản thân anh từng có khá nhiều các cú đúp nhưng ghi thêm một bàn thắng nữa trong trận đấu cụ thể luôn rất khó khăn.
Hầu hết tất cả các CLB ở Việt Nam đều chọn tiền đạo ngoại hoặc tiền đạo nhập tịch làm chân sút chủ lực cho mình. Điều này lý giải tại sao trong danh sách ghi bàn qua các vòng đấu ở V-League trong những năm qua thường là những chân sút có tên như Kesley, Antonio, Merlo, Samson hay Timoty... Họ dĩ nhiên thay nhau làm Vua phá lưới V-league qua mỗi mùa.
Thực tế đó khiến chúng ta "đẻ" thêm một danh hiệu không chính thức nữa: Vua phá lưới nội. Các chân sút người Việt thuần túy thường ghi khoảng 10 bàn trong cả một mùa V-League, tức là hiệu suất cứ khoảng 2 trận họ mới được một bàn. Cứ theo tỉ lệ này thi một cầu thủ nội lập hat-trick luôn không dễ chút nào mặc dù trước đó cũng có những tiền lệ.
Có rất nhiều lý do để giải thích việc một tiền đạo ngoại thường ghi bàn nhiều hơn một tiền đạo nội. Họ hơn các chân sút nội về trình độ chuyên môn ư? Đúng, điều này không cần bàn cãi. Nhưng còn một lý do khác nữa là các chân sút nội hiếm khi được đượctin tưởng tuyệt đối như các tiền đạo ngoại.
Các HLV đôi khi hay yêu cầu các cầu thủ nội ra sân phải hỗ trợ các cầu thủ ngoại tối đa. Nói theo cách thông thường là các cầu thủ nội, dù là những mẫu tấn công khá hay vẫn ra sân để phục vụ các cầu thủ ngoại.
Còn có một thực tế nữa, nhiều khi cầu thủ ngoại lại chỉ chuyền bóng cho nhau. Ở đây, chuyền bóng cho nhau là bởi bản năng họ tin tưởng cầu thủ nào có khả năng phát triển bóng hoặc tận dụng cơ hội, nhưng còn có thực tế là họ có xu hướng chuyển hóa sự ăn ý ở ngoài sân cỏ vào trong sân bóng.
Nói như thế để thấy, chính sách hạn chế ngoại binh ở V-League đã có đôi chút thay đổi, và các chân sút nội đã nắm bắt được thời cơ. Vấn đề còn lại chỉ là có bao nhiều người thực sự khát khao chứng tỏ.
Nguyễn Tuấn Phong
Thể thao & Văn hóa