Góc nhìn nhà văn Trang Hạ về 'Vòng eo 56': Kẻ tung hô hay ném đá mới đáng ghét
(Thethaovanhoa.vn) - Cho rằng e ngại một bộ phim "đầu độc" giới trẻ là sự lo lắng thừa thãi, nhưng nữ văn sĩ Trang Hạ lại muốn lên án những ai tung hô hay ném đá một tác phẩm nghệ thuật nào đó không tương xứng vì suy cho cùng thị trường văn hóa cũng chỉ như một cái chợ.
- Nhà văn Trang Hạ: Muốn tìm đàn ông tốt, hãy đến lò võ, đừng vào quán bar
- Trang Hạ kể nguồn gốc chuyện “đàn ông và con lợn”
Phim Vòng eo 56 do chính Ngọc Trinh bỏ tiền sản xuất cũng như đóng vai chính, kịch bản phim do đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chắp bút. Ngay từ lúc chưa công chiếu, những thông tin quảng bá cho bộ phim đã thu hút sự chú ý của dư luận, thế nên không quá bất ngờ khi bộ phim làm mưa làm gió khi ra rạp.
Ban đầu, Vòng eo 56 bị chê là nội dung nhạt nhẽo, lăng xê thái quá nhân vật chính và xa rời thực tế. Nhưng cũng có nhiều ý kiến khác lại bênh vực Ngọc Trinh đồng thời khen diễn xuất của cô người mẫu trong lần đầu lấn sân sang lĩnh vực phim ảnh. Người khen - kẻ chê, người chỉ trích - kẻ bênh vực và có thể nói là thật hiếm khi có một bộ phim nào được đông đảo công chúng bàn luận nhiều đến thế.
Nhà văn Trang Hạ tuổi 40. Ảnh: Đỗ Trịnh Hoài Nam
Bên cạnh những ý kiến bình luận sự hay - dở của bộ phim thì có nhiều người lo ngại, bộ phim có thể vô tình đã cổ súy giới trẻ về một lối sống thực dụng, thích làm đẹp, sống an nhàn và dựa dẫm. Báo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Trang Hạ để ghi nhận quan điểm, góc nhìn của chị về bộ phim “Vòng eo 56” và những vấn đề xung quanh bộ phim đang khiến công chúng tranh luận sôi nổi suốt những ngày qua.
Đừng lên án những giấc mơ nghệ sĩ
Xin chào nhà văn Trang Hạ. Bộ phim Vòng eo 56 về cuộc đời người mẫu Ngọc Trinh đang được rất nhiều người quan tâm bàn luận. Rất nhiều người chê kịch bản bộ phim nhạt, chỉ trích lối sống của người mẫu Ngọc Trinh trong phim… Chị có nhận xét thế nào về bộ phim này?
Tôi không thích PR cho bộ phim và tôi cũng không phải nhà phê bình phim nên tôi không muốn đứng ở góc độ phê bình, tôi thích nói như một người quan sát thị trường văn hóa. Mà thị trường văn hóa luôn là cái chợ, nên bạn đừng đòi hỏi nhiều quá, nhiều hơn những gì mà cái chợ có thể cung cấp.
Nếu sản phẩm mới ra mắt không phải là món hàng bạn chọn mua thì làm ơn đừng đứng đấy mà nhổ nước miếng, gièm pha. Đó là món hàng họ bán cho người khác.
* Việc Ngọc Trinh nổi tiếng với scandal và những phát ngôn gây sốc đã tự bỏ tiền tỷ ra để làm phim về cuộc đời mình, đồng thời đảm nhiệm vai chính có phải là một điều lạ?
Tất cả mọi người đều có mơ ước và đều có năng lực, đó là hai điều quan trọng nhất trong cuộc sống sống. Những nhà quảng cáo, người mẫu, diễn viên, người có tiền muốn thay đổi thương hiệu thì đó là quyền của họ, còn công nhận hay không là quyền của công chúng.
Đừng lên án những giấc mơ nghệ sĩ hay ai đó vung tiền ra để thay đổi thương hiệu cá nhân vì họ có quyền, pháp luật không cấm họ làm điều đó. Hãy lên án kẻ ra sức tung hô (hoặc ra sức ném đá) những cái không xứng đáng.
* Chị có nghĩ rằng bộ phim này cũng phải có yếu tố nào hấp dẫn thì mới thu hút công chúng nhiều đến thế?
- Một bộ phận công chúng hiện nay không phân biệt được cái gì là nghệ thuật, năm ngoái người ta đi xem Hồ Thiên Nga thì họ lên mạng chửi rằng đó là thứ sản phẩm bị marketing hóa nhưng năm nay họ lại bênh vực những thứ rác rưởi của văn hóa như thể đó mới là nghệ thuật.
Tôi còn nhớ là vào thời điểm này năm trước, có một vở kịch rất hay mà từ 20 năm trước tôi đã mong được xem, đó là Taketori Monogatari- Nàng tiên trong ống tre - vở Opera của nhà soạn kịch Numajiri Tatsunori chuyển thể từ truyện cổ tích của Nhật Bản. Tôi quan sát thấy có rất nhiều người ngủ gật khi theo dõi vở kịch và nhìn họ tôi chỉ thấy tiếc… một chỗ ngồi.
Hay một người bạn của tôi có tài viết văn nhưng anh ta rất nghèo. Một hôm có một người giàu tìm gặp anh ta và nói: “Tao biết mày từng vào tù ra tội nhưng mày viết văn hay quá, mày viết về giang hồ tù tội thì chắc không đứa nào qua mặt. Tao đưa mày 40 triệu để mày biến tất cả những ký ức tù tội của mày thành tiểu thuyết của tao”.
Hóa ra ông ta chỉ bị giam mấy tháng thôi nhưng ông ý lại muốn có quá khứ lẫy lừng, và quan trọng hơn ông ý muốn nó thành tác phẩm nghệ thuật. Ông ta bỏ 40 triệu để mua ký ức và thương hiệu từ người nghệ sĩ.
Tôi luôn muốn đặt vấn đề với công chúng và nhà quản lý! Chứ còn nghệ sĩ sáng tạo, những nhà quảng cáo, và những kẻ lắm tiền, họ thích làm phim gì về họ mà chả được!
* Theo nguồn tin từ nhà phát hành, bộ phim đã thu về khoảng 14.8 tỷ đồng chỉ sau 5 ngày ra rạp. Rõ ràng là phim có công chúng của nó?
- Nhiều khi nhìn vào thị trường văn hóa, cá nhân tôi thấy buồn nhiều hơn vui. Hiện thực là người Việt Nam đang dần có thói quen chi tiền cho văn hóa, ví dụ mua sách, mua vé xem phim.
Nếu nhìn vào số tiền tiêu thì ta thấy vui vì rõ ràng đời sống văn hóa đi lên, nhưng nếu nhìn vào bản lĩnh văn hóa thì tôi nghĩ số tiền đó chỉ nói lên được năng lực tiêu tiền chứ khó có thể nói lên bản lĩnh văn hóa của đám đông.
Tôi cho rằng, sản phẩm của thị trường văn hóa có cả rác, cả vàng. Công chúng được giáo dục tốt thì họ sẽ quên sản phẩm đó sau 5 phút nếu nó không mang giá trị nghệ thuật đích thực cho họ, vậy thôi.
Làm ơn đừng lo âu cho giới trẻ, họ ổn mà
* Trong phim “Vòng eo 56”, Ngọc Trinh đơn giản, thật thà, ngoan, đẹp, thế là đổi đời vì có đại gia che chở. Những điều bộ phim truyền tải dễ khiến người ta hiểu rằng các cô gái trẻ chỉ cần có sắc đẹp thì không cần phải làm gì cả. Chị có nghĩ như vậy?
- Nhiều người cứ cho rằng một văn hóa phẩm sẽ ảnh hưởng đến lối sống của người khác, một bài hát có thể thay đổi cá tính của một người, một bộ phim có thể biến một người từ chính chuyên thành gái làm tiền, xin lỗi không có đâu. Tôi khẳng định điều đó.
Vì nếu có, thì những kẻ muốn nhồi sọ đám đông họ quay ra làm phim hết cả rồi, họ sẽ chẳng cần bắc loa phường làm gì, họ không cần tờ rơi, quảng cáo… Họ chỉ cần đầu tư vào nhà văn nhà thơ, biên kịch, làm phim để cho ra đời một tác phẩm tẩy não công chúng, thế là xong.
Cảnh trong phim "Vòng eo 56"
Bản chất một cuốn sách, một bài hát, một bộ phim chỉ làm bạn dám khẳng định cái tôi của bản thân chứ không thể biến Không thành Có. Đó là lý do người ta cứ kêu ca là văn hóa rẻ tiền, phim rẻ tiền sẽ mị dân, làm hủy hoại thẩm mỹ của giới trẻ, không có đâu, thẩm mỹ có đâu mà hủy hoại!
Nếu bản thân bạn là người méo mó về nhân phẩm, thì dù bạn có sống ở môi trường chính chuyên cũng sẽ tìm được cơ hội để sa ngã. Còn nếu như những người nghiêm khắc, tự tôn những giá trị của bản thân thì chắc chắn không ai động được đến bạn dù người ta có đẩy bạn vào vũng bùn đi chăng nữa.
* Một bộ phim “Vòng eo 56” thì không nhưng chị có cho rằng, nếu có nhiều hơn những tác phẩm tương tự có thể sẽ có sức ảnh hưởng lớn tới giới trẻ, theo hướng tiêu cực?
- Việc giới trẻ tồi tệ hay tiến bộ không liên quan gì tới việc bạn âu lo, lên tiếng cảnh báo. Dù bạn phê bình, chê trách giới trẻ đi chăng nữa thì sự thật đó mới chính là bộ phận tạo nên xã hội mà bạn đang sống.
Mọi lời chửi bới đều không có ý nghĩa gì cả, nó không làm xã hội này tiến lên, nó chỉ làm những người chửi bới lộ ra tâm địa của họ mà thôi. Hãy làm điều gì đó thay đổi xã hội này, hơn là ngồi lo cho giới trẻ!
Bốn nghìn năm trước, giới trẻ mà những vị trưởng lão mắng họ là “lười biếng, không biết kính trọng người trên, ích kỷ tham lam hèn nhát” vẫn tạo dựng nên một xã hội tiến bộ với bao thành tựu khoa học như ngày nay! Đừng ra sức phủ nhận người khác, làm ơn đừng lo âu cho giới trẻ. Tôi thấy giới trẻ luôn ổn mà.
Nhà văn Trang Hạ và con trai
* Nếu con gái chị muốn đi xem phim này, chị có phản đối con mình không?
- Tôi được tặng hai vé mời ra mắt bộ phim và tôi đã cho con gái 16 tuổi của mình để nó đi xem cùng bạn. Tôi nghĩ nên để con tiếp xúc với mọi thứ trong xã hội, con sẽ tự trưởng thành, tự nhận ra cái gì cần thiết cho mình.
Riêng tôi thì nghĩ không phải vì mình không thích bộ phim mà tìm cách ngăn người khác xem bộ phim đó. Tôi tin tưởng vào giáo dục của gia đình, tôi tin mình dùng những câu chuyện giáo dục, phương pháp giáo dục, thậm chí cả trải nghiệm cá nhân mình để con nhận biết lẽ phải và những giá trị đích thực của cuộc sống. Nếu thất bại thì tôi không đổ lỗi cho bộ phim, cuốn sách nào mà đó là lỗi của chính những người mẹ, những người thầy.
Tôi cho con tôi đọc Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh và xem cả Vòng eo 56 của Ngọc Trinh. Còn sau này lớn lên nó chọn gì, yêu thích gì, theo đuổi giá trị gì, là do chính nó tự cảm nhận, không phải do ai ép buộc.
Nhưng, tôi thực sự thấy lo âu, khi trong xã hội này, người ta vẫn xây dựng thị hiếu cho đám đông bằng cách áp đặt, và định hướng dư luận bằng cách trả lương cho lưu manh mạng!
Tiểu Phong (Thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần