Góc nhìn 365: 'Tượng đài' lính cứu hỏa
Những hình ảnh xúc động đang liên tục được chia sẻ trên không gian mạng, khi nhiều người dân Hà Nội chủ động tìm đến và đặt những bó hoa tươi dưới chân cụm tượng đài Công an Nhân dân trên phố Trần Nhân Tông.
Như những gì được chia sẻ, từ sau ngày 1/8 - thời điểm 3 chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy của quận Cầu Giấy hi sinh trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy tại một quán karaoke - những bó hoa như vậy đã bắt đầu được đặt dưới chân tượng đài.
Đội nắng, tranh thủ ghé qua sau giờ hành chính hoặc ngay trong giờ làm việc, có hoa tươi hoặc chỉ đến để vái vọng dưới chân, những người dân tới tượng đài đều là những gương mặt bình thường, thậm chí vô danh của thành phố.
Những bó hoa và sự có mặt ấy là một phần không thể tách rồi của dòng thác cảm xúc đang xuất hiện trên mạng xã hội và các mặt báo, sau sự ra đi của của 3 chiến sĩ. Ở đó, hàng ngàn lượt người đã có dịp bày tỏ bao xót xa, đau đớn và thương tiếc của mình trước các anh.
Đó không chỉ là những đau đớn và trân trọng trước sự hi sinh của những chiến sĩ đã xả thân trong thời bình. Nỗi đau và sự tiếc thương như được nhân lên, qua những câu chuyện nhỏ mà người thân, hoặc bạn bè chia sẻ về cách sống giản dị và sự chân thành của họ lúc sinh thời.
Đơn cử, với Đỗ Đức Việt - một trong ba gương mặt ấy - cộng đồng mạng đã “lục tìm” được tấm ảnh trong năm 2021 trên trang cá nhân của anh. Tại đó, chàng lính cứu hỏa vừa hi sinh ở tuổi 24 có gương mặt ướt đẫm mồ hôi, dùng đôi tay lem luốc vuốt ve chú cún mà anh vừa cứu khỏi một trận hỏa hoạn, kèm theo đôi lời nhắn trìu mến: "Chào cậu, nhân vật được tớ đưa ra khỏi vụ cháy ngày hôm nay. Cậu đang mang bầu phải không?”...
Rồi xa hơn, người dùng cũng “phát hiện” Việt là nhân vật chính trong clip "Anh lính cứu hỏa tập sự gánh rau giúp hai cụ già" từng được chú ý cách đây 4 năm. Như thế, sự tử tế và chân thành - tới mức mộc mạc - của anh đã hơn một lần làm chúng ta cảm động.
***
Cũng cần nói thêm, cụm tượng đài Công an nhân dân, nơi nhiều người ghé tới mấy ngày qua, từng gây ra một cuộc tranh luận nho nhỏ vài tháng trước, khi nó ra đời.
Thời điểm ấy, đã có những ý kiến cho thấy sự băn khoăn về chất lượng nghệ thuật của cụm tượng, khi nó được “ghép” lại từ 2 sáng tác khác nhau. Thêm nữa, ngôn ngữ nghệ thuật tả thực, cùng kích thước và chất liệu bằng đồng của nó, cũng không được tuyệt đại đa số ý kiến tán đồng.
- Công nhận liệt sỹ đối với 3 chiến sỹ công an hy sinh khi chữa cháy
- Truy tặng Huân chương Chiến công cho ba cán bộ, chiến sỹ công an hy sinh khi chữa cháy
- UBND TP Hà Nội truy tặng Bằng khen đối với ba cán bộ, chiến sỹ Công an hy sinh khi làm nhiệm vụ
Những nhận xét ở góc độ thẩm mỹ ấy có thể khó đi đến thống nhất. Nhưng rồi, ở thời điểm cần thiết nhất, cụm tượng đài ấy - nơi có hình ảnh 3 người lính cứu hỏa đang bước ra từ ngọn lửa - lại được cộng đồng chọn làm không gian bày tỏ lời tiễn biệt và tri ân của mình.
Bởi, khi gắn liền với sự hi sinh, cũng như đóng góp thầm lặng, mộc mạc và chân thành của những người lính cứu hỏa, hóa ra mọi khen chê xấu - đẹp từng có bỗng trở nên vô nghĩa.
Không phải ngẫu nhiên mà trong mọi cuộc tranh luận về tượng đài từ trước tới nay, chúng ta vẫn nói rằng tượng đài có giá trị nhất luôn là “tượng đài trong lòng dân”. Và cũng không phải ngẫu nhiên khi trong mấy ngày qua, lời văn của Nguyễn Ngọc Tư trong cuốn “Ngày mai của những ngày mai” lại được trích dẫn nhiều tới vậy: Người ta ngây ngất trước sự hào nhoáng, mê mẩn trước sự bóng bẩy nhưng chỉ rơi nước mắt trước sự giản dị tự đáy lòng.
Cúc Đường