Góc nhìn 365: Tuần đặc biệt của sân khấu Hà Nội
Diễn ra từ 5/9 - 2/10, Liên hoan sân khấu thủ đô Hà Nội 2022 vừa kết thúc trong niềm vui của những người làm nghề, với hơn 60 tấm huy chương và nhiều giải thưởng được trao.
Không chỉ thế, đây cũng là lần hiếm hoi trong năm, hầu hết các Nhà hát trên địa bàn Hà Nội đồng loạt “ra quân” cùng các đơn vị bạn, để rồi tạo ra một điều ít gặp trong đời sống văn hóa: Các buổi diễn được tổ chức đều đặn 2 hoặc 3 buổi/ngày và liên tục thu hút người xem.
Nhưng xa hơn câu chuyện của một sân chơi cho bạn nghề, Liên hoan cũng là dịp để nhìn lại phần nào bộ mặt của sân khấu, nhất là sân khấu Hà Nội.
Đơn cử, 3 vở diễn giành HCV là Mưa đỏ (Nhà hát Kịch Quân đội); Vương quyền (Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long) và Trung Trinh liệt nữ (Nhà hát Chèo Hà Nội) đều được phía giám khảo đánh giá là có chất lượng cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật - thậm chí là đạt tới sự hoàn hảo tương đối ở mọi thành phần sáng tạo như tác giả, đạo diễn, diễn viên, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, âm thanh ánh sáng.
Và, dù nói về những chủ đề nào, những vở diễn này đều đủ sức khiến người xem trăn trở, suy tư trước câu hỏi lớn: Làm thế nào để sống tốt hơn, có ích hơn giữa cuộc sống phức tạp hôm nay?
Rồi sự xuất hiện của 4 đơn vị sân khấu xã hội hóa tại Liên hoan (chiếm hơn 30% số đơn vị tham dự) không chỉ khiến cuộc chơi này thêm màu sắc và tính cạnh tranh, mà còn cho thấy vai trò và sức ảnh hưởng khá lớn của các đoàn kịch tư nhân trong bối cảnh hiện tại.
Rồi, sự xuất hiện - hoặc tái khẳng định - của một số đạo diễn mới cũng được coi là tín hiệu vui trong cuộc “chạy tiếp sức” để kế thừa những gương mặt đã thành danh.
Rồi, nếu 26 HCV và 33 HCB được trao cho các diễn viên có thể còn gây tranh luận ở một số trường hợp, thì câu chuyện của NSND Thoại Miêu lại cho thấy sự mẫu mực về ý thức của một nghệ sĩ lớn. Từ TP.HCM ra Hà Nội, thể hiện xuất sắc vai diễn của mình, vậy nhưng nghệ sĩ ở tuổi 70 này lại chủ động gửi thư đề nghị phía giám khảo không xét huy chương cho mình với lý do giản dị: “Họ cần hơn tôi”. Như chia sẻ, bà muốn nhường lại cơ hội cho lớp trẻ, muốn mang tâm sức, nhiệt huyết để truyền lửa, tiếp xúc cho các em theo cách của mình.
Và tất yếu, Liên hoan vừa qua cũng cho thấy những nhược điểm lớn của sân khấu hiện tại - khi mà theo Hội đồng giám khảo, một số vở diễn dự thi vẫn có những diễn viên tỏ ra yếu về cơ bản, những đạo diễn dựng vở theo cách giật gân, nóng vội hay những vở diễn quá lạm dụng việc dùng âm nhạc tuyển chọn - khiến Liên hoan không thể trao giải xuất sắc cho nhạc sĩ.
- Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2022: Nhà hát Chèo Hà Nội 'bội thu' giải thưởng
- Bế mạc Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V - năm 2022
- 13 vở diễn về Hà Nội tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2022
Hoặc, đó còn là nỗi lo về khâu kịch bản - khi mà quá nửa vở diễn tham dự đều là các vở chọn đề tài huyền sử, dã sử. Thậm chí, Mưa đỏ - vở duy nhất có đề tài hiện đại giành HCV - cũng vẫn gắn với câu chuyện về cuộc chiến ở thành cổ Quảng Trị cách đây 40 năm. Có nghĩa, điều này cũng cho thấy sự thiếu vắng của các kịch bản sân khấu tốt về cuộc sống đương đại - chứ chưa nói là… Hà Nội đương đại như Ban tổ chức từng kỳ vọng.
Dường như, điều ấy cũng trùng khớp với một thực tế: Nhiều vở diễn về đề tài hiện đại của sân khấu trong thời gian qua đều là gắn với việc dựng lại những kịch bản từng thành danh trong quá khứ… Và, cũng không phải ngẫu nhiên, trong lời tổng kết, đại diện Hội đồng giám khảo nhắc tới việc ngành sân khấu cần sớm tổ chức thêm các trại sáng tác, mời những tác giả có uy tín để sáng tác những kịch bản tốt về Hà Nội.
Một tuần lễ sôi động để có thêm hy vọng và cũng để nhìn rõ những điểm chưa hoàn thiện của một nền sân khấu, bản thân điều ấy đã là liều thuốc quý trong bối cảnh hiện tại.
Trí Uẩn