Góc nhìn 365: Từ bộ trang phục của Thùy Tiên
Diễn ra được vài ngày, nhưng câu chuyện quanh bộ trang phục của hoa hậu Thùy Tiên vẫn còn dư âm - khi nó lại mở ra những vấn đề mới.
Mọi thứ bắt đầu từ chia sẻ trên trang cá nhân của Khoai Lang Thang, một YouTuber du lịch khá nổi tiếng, về việc du khách mặc trang phục của các dân tộc ở Tây Tạng (Trung Quốc), Mông Cổ khi đến thăm và chụp ảnh trên sông Nho Quế (Hà Giang). Như lời anh, nếu có tới đây hay bất cứ cảnh đẹp nào tại Việt Nam, khách du lịch cần hạn chế "mặc đồ của những nước khác".
Đáng chú ý, dù không bị "điểm danh" nhưng Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên - từng có bức ảnh với với trang phục mang hơi hướng nước ngoài tại sông Nho Quế trước đó - đã để lại dưới bài đăng của tác giả lời chia sẻ khá chân tình. Cô cho biết bản thân lần đầu đi Hà Giang nên không chú ý đến vấn đề trên, nhưng sẽ rút kinh nghiệm trong tương lai.
Để rồi, khi lan tỏa trên mặt báo và không gian mạng, câu chuyện giữa 2 người - kể từ quan điểm tới cách giải quyết - đã liên tục nhận về những lời tán thưởng của cộng đồng. Và, dù vẫn có những phản đối cá biệt hướng về sở thích cá nhân khi chọn trang phục, thì phần lớn ý kiến đã chỉ ra: Việc mặc một bộ đồ truyền thống để chụp ảnh không chỉ gắn với nhu cầu "sống ảo" của mỗi du khách, mà còn cho thấy vốn văn hóa và sự trân trọng mà họ dành cho nơi mình đang đặt chân.
Cùng là người nổi tiếng và có ảnh hưởng tới giới trẻ, cách xử sự của cả YouTuber Khoai Lang Thang lẫn hoa hậu Thùy Tiên đều cho thấy tín hiệu vui về ý thức - cũng như sự cầu thị - với bản sắc văn hóa truyền thống.
***
Nhưng cần nói thêm, thực chất, tại các điểm du lịch gắn với cảnh quan tự nhiên và ít nhiều còn hoang sơ như sông Nho Quế hay một số vùng cao phía Bắc, dịch vụ cung cấp trang phục truyền thống cho du khách chụp ảnh mới chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây và thường mang tính chất tự phát.
Chính vì tự phát, bên cạnh những bộ trang phục bản địa, một số nơi đã cung cấp cả những bộ đồ có xuất xứ nước ngoài để phục vụ "trend" thích độc, lạ từ du khách. Thậm chí, ngay cả những bộ trang phục bản địa của Việt Nam cũng ít khi được khai thác hết tiềm năng, cả về số lượng và chất lượng.
Đơn cử, như trải nghiệm của người viết, tại khá nhiều điểm du lịch này, phần lớn các bộ trang phục truyền thống được cung cấp chỉ là trang phục của người Mông và người Dao đỏ. Trong khi trên thực tế, những vùng cao phía Bắc thường khá đa dạng và phong phú về các nhánh dân tộc thiểu số, với những bộ trang phục khác của người Mông, Dao, Pà Thẻn, La Hủ, Lô Lô, Nùng… Thậm chí, trang phục áo dài nữ phổ thông cũng ít khi có trong danh sách cho thuê - dù việc mặc loại bộ trang phục này cũng rất nền nã và ý nghĩa.
Hoặc, ở một góc độ khác, phần lớn các dịch vụ cho thuê trang phục truyền thống cũng chưa đi kèm những thuyết trình, hướng dẫn và tư vấn cho du khách về xuất xứ, ý nghĩa nhân sinh quan của hệ thống họa tiết, hoa văn trên các trang phục này. Bởi thế, thông thường du khách cũng chỉ dừng ở việc thuê và lựa chọn các trang phục theo sở thích cá nhân, chứ ít khi mua các trang phục này về để trưng bày hoặc làm kỷ niệm.
Như thế, câu chuyện trên không thể chỉ trông đợi vào ý thức và sự lựa chọn của khách du lịch hay những đối tượng trẻ. Chắc chắn, nó còn phụ thuộc vào sự chủ động, khả năng cung ứng và cả chất lượng của những dịch vụ gắn với sản phẩm văn hóa truyền thống.Và câu chuyện của hoa hậu Thùy Tiên, xét cho cùng, cũng mới là một sự gợi mở về những gì mà chúng ta cần làm để tạo dựng những sản phẩm văn hóa truyền thống trên "sân nhà".