Góc nhìn 365: Lan tỏa văn hóa đọc
Một thông tin thú vị: ngày 11/7, trên facebook cá nhân, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý cho biết cô đang cùng một số người bạn thành lập thư viện phục vụ cộng đồng nhằm giới thiệu những cuốn sách hay, có tác động tích cực tới người đọc. Như chia sẻ, Lý đang có khoảng 120 cuốn sách hay, và còn thiếu khoảng 150 cuốn so với dự kiến.
Do vậy, nữ ca sĩ nhờ cộng đồng bè bạn giới thiệu thêm các đầu sách hay về các mảng Triết học, Văn học, Nghệ thuật, Lịch sử, Phật giáo... để cô sưu tầm - thậm chí tặng cho dự án nếu có sự tin tưởng và “có những cuốn sách hay bị bỏ quên trong nhà”.
Chia sẻ về lý do làm dự án, Lê Cát Trọng Lý nhắc tới việc các nhà sách hiện tại vốn khá phổ biến, nhưng người bình thường chưa có thói quen đọc sách sẽ phải “ngụp lặn” rất lâu giữa quá nhiều sản phẩm tại cơ sở này. Còn ở thư viện nhỏ đang được thành lập, sách đã được tuyển chọn để giới thiệu cho mọi người theo thư mục.
“Ai cũng tin rằng đọc sách là tốt, nhưng để có văn hoá đọc và có cộng đồng bạn đọc cùng thì khó. Lý muốn tạo dựng cộng đồng nhỏ như thế” - nữ ca sĩ nói. Và nữa, “có những cuốn sách sâu sắc sau khi đọc cần những chuyên gia trong lĩnh vực chia sẻ ý kiến dưới góc độ thực hành. Lý muốn tạo ra không gian có thể có được những buổi như vậy”.
Theo kế hoạch, trong tuần tới, dự án phục vụ cộng đồng này sẽ khởi động điểm đầu tiên tại một quán cà phê trên phố Lê Phụng Hiểu. Và, dù hình thức vận hành cụ thể, cũng như những ưu nhược điểm của dự án còn nằm ở tương lai, nhưng những người yêu mến Lê Cát Trọng Lý đã liên tục vào facebook cô để bày tỏ sự tán đồng và chia sẻ.
“Hay quá Lý ơi”. “Cảm ơn Lý, bạn là một người làm nghệ thuật có chiều sâu”. “Mong một ngày dự án sẽ xuất hiện ở Sài Gòn” “Mình xin góp một viên sỏi vào dự án”... Đó chỉ là một phần trong hàng trăm comment - cũng như những lời giới thiệu sách và đề nghị tặng sách - đang xuất hiện sau lời đề nghị của Lý.
***
Có một thực tế, chúng ta vốn ít thấy những gương mặt trong giới showbiz chia sẻ về văn hóa đọc. Đó không hẳn là câu chuyện về sự “quay lưng” với sách - như định kiến của một số người - mà có lẽ nằm ở cách khai thác của truyền thông. Chắc chắn, trong giới nghệ thuật, vẫn có những cá nhân yêu sách và thích đọc sách như Lý, nhưng ít người biết tới điều này ngoại trừ những bạn bè thân thiết của họ.
Hãy nhớ lại thời điểm năm 2017, khi chiến dịch “Đọc sách thật phong cách” do Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam được phát động, khá nhiều gương mặt trong giới nghệ thuật đã có dịp trải lòng cùng độc giả về sở thích đọc sách. Họ là ca nương Kiều Anh, người mẫu Thúy Hạnh, diễn viên Ngọc Thanh Tâm, danh hài Xuân Bắc, ca sỹ Văn Mai Hương, ca sỹ Hoàng Bách, nhạc trưởng Đặng Châu Anh hay nghệ sĩ violon Trang Trịnh...
- Góc nhìn 365: 'Dòng chảy ngầm' của văn hóa đọc
- Hà Nội: Tôn vinh các Đại sứ văn hóa đọc thành phố
- Hà Nội giữ gìn và phát triển văn hóa đọc trong nhân dân
Ở đó, những nhận xét như của nghệ sỹ violon Trang Trịnh cũng từng lan tỏa trên không gian mạng với sức hút khá lớn: "Đôi tay của tôi hạnh phúc nhất khi làm ba điều này: Khi cầm tay người mình yêu thương, khi nhảy múa trên những phím đàn piano, và khi được lật từng trang của một quyển sách hay".
Chỉ có điều đáng tiếc, những chiến dịch như vậy còn quá ít, khiến cho sự lan tỏa về văn hóa đọc của người nổi tiếng dễ chìm vào quên lãng khi không có những đợt sóng tiếp nối.
Còn bây giờ, khi Lê Cát Trọng Lý chủ động tổ chức một thư viện cho cộng đồng, có lẽ chúng ta cũng tới lúc nên nghĩ một cách nghiêm túc về việc “khơi nguồn” thúc đẩy văn hóa đọc từ những gương mặt được chú ý trong nghệ thuật.
Trí Uẩn