Góc nhìn 365: Khi sân khấu cả nước 'ra quân'
Một sự kiện quan trọng trong đời sống sân khấu vừa bắt đầu ngày hôm nay 11/6: Lễ khai mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 tại thành phố Thái Nguyên.
Nói "quan trọng", bởi vượt hơn những Liên hoan mang tính khu vực, đây là sân chơi tổ chức 3 năm/lần và dành cho mọi đơn vị sân khấu chuyên nghiệp trên toàn quốc thuộc chuyên ngành kịch nói .
Và thực tế, số đơn vị tham dự sự kiện này cũng lên tới 19nhà hát (hoặc đoàn nghệ thuật) với tổng cộng 23 vở diễn được biểu diễn trong suốt 15 ngày.
Nhìn vào danh sách tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024, bên cạnh những thương hiệu như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Đoàn kịch nói Hải Phòng, Nhà hát Kịch nói Quân đội..., điểm đáng mừng là sự góp mặt của các đoàn nghệ thuật xã hội hóa, với số lượng chiếm tới hơn 1/3 tổng số các đơn vị.
Còn về góc độ kịch mục, có những đơn vị mang theo các vở diễn "vừa ra lò", được dàn dựng với mục đích tham dự Liên hoan. Điển hình, đoàn kịch nói Hải Phòng dựng vở "Bắt quỷ" với đề tài rất thời sự: Chống tham nhũng. Tương tự, vở Tình người vùng than của đoàn Quảng Ninh cũng vừa được tổng duyệt ít ngày trước, với câu chuyện về phẩm giá, danh dự của những người thợ mỏ giữa đời thường.
Ở phía ngược lại, khi Liên hoan lần này áp dụng yêu cầu các vở diễn phải được dựng mới (hoặc phục dựng với ê-kíp sáng tạo mới) trong thời gian từ năm 2017 tới nay, rất nhiều vở diễn dự thi đã có một thời gian ra mắt khán giả và được kỳ vọng có độ "nhuyễn" cao theo thời gian. Chẳng hạn, đó là các vở Bến nước thời gian của Nhà hát Tuổi trẻ, Trả giá của Nhà hát Công an Nhân dân hay Vòng tròn bội bạc của Nhà hát Kịch Hà Nội...
***
Nhiều năm qua, những kỳ liên hoan kịch nói toàn quốc luôn được trông đợi như một sự kiện quan trọng để tôn vinh những vở diễn và nghệ sĩ kịch nói có chất lượng, đồng thời là dịp để bạn nghề cùng học hỏi kinh nghiệm, trau dồi trình độ biểu diễn.
Nhưng ở một góc độ khác, chắc chắn đây cũng là dịp để chúng ta có một cái nhìn rõ nhất về "bộ mặt" của sân khấu hiện tại, với những ưu điểm đang có và cả những nhược điểm khác nhau, phụ thuộc vào trình độ hay điều kiện hoạt động của từng đơn vị nghệ thuật.
Và cũng phải nói thêm, một nét mới trong tiêu chí tổ chức tại Liên hoan năm nay là việc chỉ chấp nhận những kịch bản được sáng tác từ năm 2005 trở lại đây (hoặc phải được chỉnh lý cho phù hợp hiện tại, với sự đồng ý của tác giả). Nói một cách khác, thay đổi này có thể mang lại tín hiệu vui, nhưng cũng có thể phơi bày rõ hơn những nhược điểm về vấn đề thiếu vắng kịch bản hay - vốn tồn tại dai dẳng trong đời sống sân khấu lâu nay.
Bởi thế, hãy cứ chờ một sân chơi nghệ thuật thú vị, và chờ cả những "bắt bệnh" cần thiết để sân khấu có thể tiếp tục phát triển và đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả hôm nay.