Góc nhìn 365: Hét giá và trả giá
Một sự việc được nhiều người chờ đợi đã diễn ra: Các cơ quan chức năng tại TP.HCM vừa xử phạt một thanh niên (mức phạt 10 triệu đồng) về hành vi sử dụng trái phép lòng đường, hè phố cho thuê xe điện và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Đáng nói, đây chính là người đã cho streamer nổi tiếng IshowSpeed thuê xe điện cân bằng với mức giá 1 triệu đồng ít ngày trước. Và rồi, cùng mức phạt trên, anh ta cũng được đưa tới khách sạn nơi IshowSpeed tạm trú để xin lỗi và trả lại tiền.
Cần nhắc lại, IshowSpeed nổi tiếng trên mạng xã hội vì kênh của anh có gần 30 triệu lượt theo dõi. Nội dung trong các thước phim livestream của anh chủ yếu về đời sống, những địa điểm du lịch. Để rồi, cuối tuần trước, khi ghé thăm TP.HCM, chàng trai người Mỹ này ghé thăm phố đi bộ Nguyễn Huệ nhằm trải nghiệm một phần đời sống về đêm ở thành phố sôi động bậc nhất Việt Nam.
Và giữa rất nhiều thước phim được livestream tại đây, người ta được chứng kiến IshowSpeed phải bỏ ra một triệu đồng để thuê xe điện cân bằng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, chỉ chạy năm phút. Mức giá ấy khiến rất nhiều người bất bình khi trên thực tế, số tiền này thông thường chỉ vào khoảng 50 ngàn đồng.
Bây giờ, vụ việc khép lại với "cái kết có hậu" và hợp lòng người. Nhưng thẳng thắn, việc nó được giải quyết nhanh chóng cũng phần nào đến từ sự phổ biến của các thước phim do IshowSpeed quay, cũng như phản ứng tức thời từ những người chứng kiến qua không gian mạng.
Có nghĩa, cần đặt câu hỏi: Sẽ còn bao nhiêu vụ việc chặt chém du khách không được máy quay ghi lại, hoặc không được cộng đồng biết tới? Và, sẽ còn biết bao nhiêu du khách đã ngậm bồ hòn làm ngọt rời Việt Nam với những kỷ niệm không hay kiểu này?
Nhìn lại, một số trường hợp tương tự đã từng xảy ra ở các địa phương khác nhau trên cả nước và bị cộng đồng lên án. Dĩ nhiên, không phải người bán hàng nào cũng "mài sẵn dao" chờ đón các du khách. Nhưng một vụ việc, dù là không quá phổ biến, như lần này cũng đủ khiến chúng ta ngồi lại suy ngẫm.
Bởi trong những vụ việc ấy, nạn nhân có thể là những du khách bình thường, và cảm giác không dễ chịu khi bị lừa mua những sản phẩm với giá cao hơn mặt bằng chung cũng sẽ dần nguôi ngoai ở họ.
Nhưng, nạn nhân cũng hoàn toàn có thể là những người dễ tạo ảnh hưởng trong thời buổi công nghệ và mạng xã hội phát triển khắp thế giới, như trường hợp IshowSpeed vừa qua. Khi đó, những hình ảnh làm dịch vụ xấu xí dễ dàng lan truyền rất nhanh, vô tình tạo những ấn tượng không hay trong mắt bạn bè quốc tế. Những người đang có ý định đến Việt Nam, hẳn cũng chùng lại vài giây suy nghĩ đắn đo.
Hét giá gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp mười có thể mang lại cho những người bán lợi nhuận tức thời, nhưng cũng tiềm ẩn những hệ lụy - như trường hợp vừa bị xử lý. Còn lâu dài, rõ ràng du lịch Việt Nam sẽ là phía phải "trả giá" và chịu thiệt thòi, nếu chúng ta không chủ động tìm cách chấm dứt hẳn tình trạng này.