Góc nhìn 365: "Hệ sinh thái" mới của sách
Một thông tin đáng chú ý: Các cơ quan chức năng tại TP.HCM đang lên kế hoạch xây dựng thêm ba không gian sách - đường sách mới. Cụ thể, đó là các không gian sách quận Bình Tân, không gian sách huyện Củ Chi và đường sách Nguyễn Đổng Chi (phường Tân Phú, Quận 7).
Như những gì được chia sẻ, các không gian sách và đường sách mới này được kì vọng sẽ trở thành các "toạ độ" đọc sách mới theo các hướng Tây, Nam, Bắc - để rồi kết nối cùng đường sách TP Thủ Đức tại phía Đông và đường sách Nguyễn Văn Bình ở trung tâm thành phố, tạo thành một "hệ sinh thái"mới của sách.
Nhớ hồi sinh viên, bất cứ khi nào lang thang ở TP.HCM, ở bất kỳ quận nào, tôi cũng có thể gặp một nhà sách hoặc một tiệm sách cũ. Thậm chí có khi cả dải phố chỉ toàn những cửa hiệu sách cũ nằm san sát nhau. Có lúc, đó chỉ là tấm bạt trải ra đường và một cụ già ngồi thu lu giữa ngổn ngang sách vở, dưới một ngọn đèn đường chờ đợi một kẻ lang thang như tôi ghé qua, tình cờ thấy cuốn sách mình tìm kiếm lâu nay, và rước về.
Thời đó đã qua. Chúng ta có thể gặp các cụ già bán sách dạo, có thể thấy các cửa hàng sách cũ, nhưng mọi thứ mất đi vẻ nhộn nhịp khi xưa. Mua sắm trực tuyến đang trên đà phát triển, các sàn thương mại điện tử tung ra nhiều khuyến mãi hấp dẫn, việc giao nhận thuận tiện, độc giả tranh thủ được thời gian… Chưa kể, sau đại dịch Covid-19, không chỉ riêng sách vở mà mọi cửa hàng kinh doanh theo hình thức truyền thống cũng đều gặp khó trước những biến chuyển rất nhanh của thời đại.
Dù vậy, những năm qua, đường sách Nguyễn Văn Bình vẫn là địa điểm nhộn nhịp thu hút độc giả và du khách. Biết rằng việc mua sắm trực tuyến có nhiều thuận lợi, nhưng thú vui vừa đi dạo, vừa được tận hưởng bầu không khí đám đông, vừa lựa chọn mua sách là một trải nghiệm đáng giá. Nhất là khi đường sách có nhiều sự kiện được tổ chức.
Đôi khi, nhờ tình cờ mua sách, nghe được các chia sẻ của diễn giả trên sân khấu, ấn tượng trước hàm lượng kiến thức mà một buổi đi dạo tưởng chừng bình thường lại trở nên bổ ích.
***
Việc tạo thêm các không gian dành cho sách vở giữa một thành phố trẻ, dân cư đông như TP.HCM là điều cần thiết trên lộ trình xây dựng và khuyến khích người dân đọc sách. Bên cạnh đó, những nơi này cũng trở thành không gian sinh hoạt tri thức có tính mở, hướng đến cộng đồng, giúp mọi người hiểu thêm ích lợi của việc đọc.
Rõ ràng, thông tin này là một tín hiệu vui đối với bất kỳ độc giả nào vẫn yêu thích việc lang thang giữa các kệ, gian hàng sách và lựa chọn cuốn sách có thể mình đang tìm kiếm - hoặc tình cờ như hữu duyên mà gặp được.
Nếu từng đến thành phố Paris của nước Pháp hẳn nhiều người biết đến những hiệu sách nhỏ dọc sông Seine. Đó là một di sản của "kinh đô ánh sáng" - một cộng đồng sách vở đã trở thành phần hồn cốt của thành phố châu Âu lâu đời này. Kỳ vọng trong tương lai, các không gian sách, đường sách tại TP.HCM sẽ trở thành những địa chỉ văn hóa, một nét đặc sắc trên sổ tay du lịch của các du khách nước ngoài khi đến đây.