Góc nhìn 365: Giấc mơ từ các nhà ga
Một thông tin đang được những người dân Hà Nội quan tâm: đoạn trên cao của dự án metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ được lùi thời gian vận hành vào tháng 8 tới. Trước đó, vào cuối năm 2022, tuyến đường sắt đô thị này đã không thể đưa vào khai thác như kế hoạch.
Và cùng với sự "trễ hẹn" ấy, câu chuyện về việc các nhà ga dọc tuyến metro này đang bị chiếm dụng, vẽ bậy hoặc trở thành nơi đổ rác lại đang tiếp tục được xới lên trên mặt báo…
Về cơ bản, những nhà ga trên cao này đã hoàn thiện bộ khung nhưng chưa đi vào hoạt động chính thức. Để rồi, theo thời gian dài chờ đợi, dù "cửa đóng then cài" nhưng phần không gian của các lối lên xuống, thang bộ hành, hàng lang thang máy cho người khuyết tật… lại thành nơi đắc địa để hàng quán tự phát chiếm dụng.
Bày bàn ghế, để hàng hóa, nấu ăn, để xe - đó là những hình ảnh đang được xuất hiện trên mặt báo và không gian mạng về hiện tượng chiếm dụng này. Tệ hại hơn, khi các ga metro đều nằm ở giao điểm của những tuyến đường lớn, hầu hết hệ thống tường, cột, bục… tại đây được dán, sơn quảng cáo nham nhở, hoặc trở thành nơi đổ rác khiến độ nhếch nhác, bẩn thỉu tăng thêm.
Như chia sẻ, quản lý dự án thường xuyên phối hợp với chính quyền xử lý tình trạng này, nhưng câu chuyện vẫn lặp lại liên tục mỗi khi vắng bóng các lực lượng chức năng. Dễ hiểu, bởi những không gian công cộng tại trung tâm như vậy luôn có sức hút lớn để hàng quán, dịch vụ chiếm dụng.
***
Tất nhiên, ai cũng biết rằng cảnh lấn chiếm này rồi cũng phải kết thúc, mà chậm nhất là tới khi… tuyến metro số 3 này hoạt động. Nhưng, dẹp cảnh nhếch nhác ấy chỉ là bề nổi. Xa hơn, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ tới một câu chuyện khả thi: Biến những nhà ga ấy thành các "điểm sáng" của đô thị và hoạt động cộng đồng trong tương lai.
Bởi, nếu metro là phương tiện thu hút người sử dụng lớn thì các nhà ga của nó lại là nơi diễn ra sự chuyển đổi các hình thức đi lại giữa các tuyến metro khác nhau, giữa metro và các phương tiện công cộng khác, thậm chí từ metro tới các địa điểm trong bán kính đi bộ. Theo nguyên tắc ấy, không gian xung quanh các nhà ga này sẽ gia tăng lớn về hệ số sử dụng và lượng người tham gia.
Không phải ngẫu nhiên, ở các đô thị lớn trên thế giới, không gian xung quanh các ga metro thường được quy hoạch ngay từ đầu để dành cho các công trình thu hút lượng người sử dụng lớn như siêu thị, khu văn phòng, bệnh viện, nhà hát. Cũng không phải ngẫu nhiên, sự xuất hiện của metro tai các thành phố luôn được coi là cơ hội để tái cấu trúc lại đô thị, trong đó có việc thay đổi chức năng của các công trình xây dựng gần hệ thống giao thông công cộng này.
Và, nếu cảnh các nhà ga metro trên thế giới là những công trình hiện đại với hệ thống quầy hàng, các trang trí ấn tượng, các màn biểu diễn nghệ thuật cộng cộng… vốn chỉ đến với chúng ta qua phim ảnh, thì cũng đừng vội thất vọng.
Thực tế, vài năm qua, kể từ khi tuyến metro Cát Linh - Hà Đông hoạt động, cộng đồng cũng đã chứng kiến không ít những cặp đôi tổ chức chụp ảnh cưới hoặc quay clip cá nhân tại đây. Thậm chí, dù chưa hoàn thiện, ga ngầm S9 (chưa hoàn thiện) của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội vừa qua cũng trở thành địa điểm để ban nhạc Bức Tường chọn làm cảnh quay cho một MV mới.
Tất cả những điều ấy đã cho thấy sức hút, và tiềm năng của các ga metro trong đời sống đô thị tương lai - miễn là chúng ta có ý thức về tiềm năng ấy ngay từ bây giờ để tìm kiếm những giải pháp phát triển hợp lý.