Góc nhìn 365: Chuyện từ những đồ án 'bỏ đi'
Một cuộc triển lãm các đồ án kiến trúc theo cách... không giống ai vừa diễn ra tại Hà Nội vào cuối tuần qua, trong sự ngạc nhiên lẫn với thú vị của dư luận.
Bản thân tên gọi “Kẻ lữ hành kỳ dị hay là câu chuyện của những dự án bị từ chối” đã đủ để người xem hiểu về tính chất “không giống ai” của nó. Tại đó, 24 mô hình được triển lãm của kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hà và cộng sự là những đồ án đã dựng lên hoàn chỉnh về cơ bản, nhưng bị khách hàng từ chối đầu tư. Và tất nhiên, khi bị bỏ ngỏ, đó vẫn là những công trình mãi.... nằm trong ý tưởng cho đến tận bây giờ.
Về bản chất, khi chưa bị tác động (yêu cầu chỉnh sửa) từ chủ đầu tư hoặc từ điều kiện thực tế khi triển khai, những đồ án này ít nhiều mang đậm sự sáng tạo và quan điểm thẩm mỹ của các KTS.
Nhưng bên cạnh vấn đề chuyên môn, chính những lý do để các thiết kế bị “từ chối” mới là điểm nhấn của triển lãm. Hài hước và ngắn gọn, 24 đồ án được trưng bày kèm 24 lý do như vậy.
Ở đó, có những đồ án bị chủ đầu tư từ chối bởi những lý do rất dễ gặp trong cuộc sống bây giờ (thay đổi chiến lược đầu tư; từ chối do không thích thiết kế; tính toán rằng không đạt hiệu quả kinh tế; vượt quá định mức đầu tư 3 lần). Có những đồ án không thành hiện thực bởi sự... ngẫu hứng của chủ đầu tư (giá đất tăng nhanh nên chủ đầu tư nao núng không muốn xây nhà; chủ đầu tư bất ngờ bán đất vì được giá; chủ đầu tư vướng vào một vụ kiện, buồn nên không xây).
Rồi, ở một số những trường hợp, các đồ án bị từ chối được ghi kèm cả “lời phê” hoặc thái độ của chủ đầu tư (không chịu thiết kế đường đủ to cho ô tô vào tận cửa các bungalow; công trình trông kỳ lạ hơn cả cung thiếu nhi tỉnh; chủ đầu tư băn khoăn, và sau đó im lặng; chủ đầu tư mở rộng đất nhưng không mở rộng chi phí thiết kế...).
Không chua chát, không u ám mà đầy sự hóm hỉnh tự trào, có lẽ ấn tượng đầu tiên từ những khán giả bình thường của triển lãm sẽ là cái chép miệng, rằng hóa ra các KTS của chúng ta luôn phải khổ vì... chủ đầu tư đến vậy.
***
Những ai yêu văn học hẳn đều biết tới “Suối nguồn” - cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Ayn Rand về chàng kiến trúc sư Roark Howard, người sẵn sàng bỏ qua danh vọng phù phiếm và thành công nhất thời để đeo đuổi mục tiêu sáng tạo của mình. Trong suốt sự nghiệp, dù phải trả giá đắt và có những lựa chọn tưởng như điên rồ, Howard vẫn luôn nói không với những công trình hào nhoáng, mượn xác của nền kiến trúc cổ điển xưa cũ để che giấu sự nghèo nàn của công năng.
- Hà Nội: Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được phê duyệt tháng 6/2021
- Đồ án tái thiết ga Hà Nội và phụ cận: Cao ốc và bài toán quá tải hạ tầng
- Đồ án Ga Metro giành giải Loa Thành 2011
Chỉ là tiểu thuyết, vậy nhưng những gì có trong “Suối nguồn” cũng đủ giúp chúng ta hình dung về khoảng cách đặc thù giữa những ý tưởng trong nghề kiến trúc so với điều kiện thực tế để những sáng tạo đó được thực thi. Để rồi, ở ngoài đời thực, khoảng cách ấy lại liên quan tới khả năng thuyết phục - và nhiều khi, là cả sự thỏa hiệp - từ các KTS để những sáng tạo của mình phần nào thành hiện thực.
Như thế, từ góc độ kiến trúc, một xã hội phát triển luôn cần những KTS đích thực. Và ở hướng ngược lại, bên cạnh vấn đề điều kinh tế, mặt bằng thẩm mỹ của xã hội - và cụ thể là các chủ đầu tư - càng được nâng cao thì rõ ràng điều kiện sáng tạo của các KTS càng trở nên thuận lợi hơn.
Hóa ra, những đồ án “bỏ đi” tại triển lãm lại đủ để người xem có thêm những suy tư về vai trò của kiến trúc, cũng như vị thế của các KTS, chưa được đặt đúng chỗ trong một xã hội còn đang tồn tại những hạn chế nhất định. Giống như, ở hướng ngược lại, phải chăng đó cũng là câu chuyện về “bi kịch” của sự hồn nhiên, say mê sáng tạo tới mức quá... lãng mạn, như chàng Roark Howard trong “Suối nguồn”?
Trí Uẩn